Xây dựng, củng cố và phát huy vai trò của hội viên nòng cốt tại các cơ sở Hội

phunu.khanhhoa.gov.vn ── [ In trang Thứ tư, 22/1/2025 ]

Nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của Hội LHPN cấp cơ sở và phong trào phụ nữ; góp phần xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh Khánh Hòa hướng dẫn các cấp Hội phụ nữ xây dựng, củng cố và phát huy vai trò của hội viên nòng cốt tại các cơ sở Hội như sau:

* Củng cố, kiện toàn đội ngũ hội viên nòng cốt tại các chi, tổ phụ nữ

Ban Chấp hành Hội LHPN cấp cơ sở tiến hành rà soát, nắm danh sách hội viên nòng cốt tại chi, tổ phụ nữ; xây dựng kế hoạch bổ sung, phát huy vai trò của hội viên nòng cốt đảm bảo chất lượng, mỗi chi/tổ có ít nhất từ 15-20% hội viên nòng cốt trên tổng số hội viên.

* Tiêu chuẩn hội viên nòng cốt

- Hội viên nòng cốt là những hội viên tiêu biểu tại các chi, tổ phụ nữ (không bao gồm cán bộ Hội): gương mẫu, tiên phong trong phong trào phụ nữ và hoạt động Hội; có uy tín trong cộng đồng, có ảnh hưởng tích cực đến hội viên, phụ nữ; có khả năng thuyết phục, vận động quần chúng; bản thân và gia đình gương mẫu chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và quy chế, quy định của địa phương, đơn vị;

- Đối với hội viên nòng cốt là người dân tộc thiểu số, tôn giáo: ngoài những tiêu chuẩn nêu trên, cần có hiểu biết về phong tục, tập quán các dân tộc thiểu số và giáo lý, giáo luật, lễ nghi tôn giáo; hiểu biết về chính sách của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số và đồng bào có đạo để hướng dẫn, giúp đỡ phụ nữ dân tộc thiểu số, tôn giáo cùng thực hiện; biết cách vận động, thuyết phục đồng bào dân tộc thiểu số và tôn giáo. Hội viên nòng cốt dân tộc thiểu số, tôn giáo là người có uy tín trong cộng đồng dân tộc, tôn giáo, các nữ chức sắc, chức việc, nữ tu các tôn giáo.

* Lựa chọn, giới thiệu hội viên nòng cốt

- Ban Thường vụ Hội LHPN cấp cơ sở hướng dẫn các chi/ tổ phụ nữ tổ chức họp hội viên để rà soát lại số hội viên nòng cốt hiện có; giới thiệu hội viên đảm bảo các tiêu chuẩn; lập danh sách báo cáo chi ủy trước khi gửi Ban Chấp hành Hội LHPN cấp cơ sở;

- Ban Chấp hành Hội LHPN cấp cơ sở xem xét, thông qua danh sách và báo cáo với cấp uỷ cùng cấp đồng thời thông báo cho chi/ tổ để phổ biến đến hội viên trong kỳ sinh hoạt gần nhất;

- Ban Thường vụ Hội LHPN cấp cơ sở  tổ chức gặp mặt hội viên nòng cốt để trao đổi mục đích, yêu cầu và phổ biến, quán triệt về quyền lợi, nghĩa vụ của hội viên nòng cốt, đồng thời hướng dẫn, giao nhiệm vụ cho chị em tại địa bàn;

- Trong một số trường hợp đặc biệt (điểm nóng, khiếu kiện đông người…), Ban Thường vụ Hội LHPN cấp cơ sở chủ động lựa chọn những hội viên đủ tiêu chuẩn, báo cáo cấp ủy địa phương, đơn vị để thống nhất danh sách và vận động chị em tham gia nhóm hội viên nòng cốt của chi, tổ.

* Nhiệm vụ và quyền lợi của hội viên nòng cốt

Nhiệm vụ:

- Hiểu biết về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan, phong trào thi đua và các nhiệm vụ trọng tâm của Hội để tuyên truyền, vận động nhân dân trên địa bàn cùng thực hiện;

- Thường xuyên nắm bắt và phản ánh với tổ chức Hội, cấp uỷ chính quyền địa phương về tình hình tư tưởng, tâm tư nguyện vọng, đời sống của hội viên, phụ nữ. Đối với hội viên nòng cốt vùng đồng bào dân tộc, tôn giáo, điểm nóng…, khi phát hiện những biểu hiện không bình thường, phải kịp thời phản ánh ngay với cấp ủy, chính quyền và Chi hội trưởng/Tổ trưởng hoặc Chủ tịch Hội LHPN cấp cơ sở;

- Sẵn sàng, tích cực tham gia vận động, giải thích cho hội viên, phụ nữ trong cộng đồng dân cư khi có vấn đề nảy sinh làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự xã hội, đến đời sống của nhân dân và chị em phụ nữ địa phương. Hỗ trợ và tham gia tổ hoà giải giải quyết các bất hoà, tranh chấp trên địa bàn, xây dựng mối đoàn kết ở cộng đồng;

- Tích cực tham gia các hoạt động của Hội và chủ động đóng góp ý kiến xây dựng tổ chức Hội cơ sở vững mạnh; sinh hoạt với chi/ tổ theo quy định của Điều lệ Hội và tham gia hoạt động do các cấp Hội tổ chức tại cơ sở;

- Không nói và làm trái đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, của Hội; không được nhân danh hội viên nòng cốt để làm những việc ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức Hội.

Quyền lợi:

- Được tham dự một số lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng liên quan đến nghiệp vụ do Hội và các ngành tổ chức; được cung cấp một số tài liệu cần thiết có liên quan đến thực hiện nhiệm vụ (như sách, báo, tờ rơi, sổ tay tuyên truyền…);

- Được tạo điều kiện vay vốn, hỗ trợ việc làm (khi có điều kiện);

- Được ưu tiên đưa vào diện quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng tạo nguồn Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, các chức danh chủ chốt của Hội LHPN cấp cơ sở và nguồn cán bộ nữ; được giới thiệu để tổ chức Đảng xem xét, bồi dưỡng, kết nạp (nếu đủ tiêu chuẩn);

- Được động viên khen thưởng kịp thời theo quy định.

* Tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ hội viên nòng cốt

Hàng năm, Ban Thường vụ Hội LHPN cơ sở chủ động xây dựng kế hoạch tập huấn, bồi dưỡng hội viên nòng cốt; ưu tiên vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số, tôn giáo; hướng dẫn các chi trưởng/tổ trưởng phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cá nhân;

Ban Thường vụ Hội LHPN cơ sở phối hợp với các ban, ngành địa phương tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ, đặc biệt là cập nhật, phổ biến kiến thức mới về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Nghị quyết của Hội cấp trên có liên quan đến đối tượng cần tuyên truyền, vận động và kỹ năng vận động tập hợp quần chúng;

Định kỳ tổ chức giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm của hội viên nòng cốt giữa các chi, tổ phụ nữ; phát hiện những điển hình để tuyên truyền, nhân rộng và báo cáo Hội cấp trên động viên, khen thưởng.