Phụ nữ phát triển kinh tế từ nghề đan ghế bằng song mây, bẹ chuối

phunu.khanhhoa.gov.vn ── [ In trang Thứ sáu, 22/11/2024 ]

Chị Võ Thị Thu sinh năm 1965, trú tại thôn Thanh Minh 2, xã Diên Lạc, huyện Diên Khánh là gương phụ nữ khó khăn vươn lên phát triển kinh tế từ nghề đan ghế bằng song mây, bẹ chuối.

\"phu-nu-phat-trien-kinh-te-tu-nghe-dan-ghe-bang-song-may-be-chuoi.jpg

Chị Thu (áo xanh) tại xưởng đan ghế mây, bẹ chuối

     Nhận thấy lực lượng lao động nhàn rỗi ở địa phương nhiều, chị Thu mạnh dạn đưa nghề đan ghế bằng song mây, bẹ chuối về thôn để nhận vật liệu gia công sản phẩm. Kế hoạch của chị đề ra được mọi người trong gia đình ủng hộ, nhưng bước đầu gặp khó khăn về kỹ thuật cho người lao động. Chị tranh thủ thời gian mời các chị em hội viên, phụ nữ nhàn rỗi chưa có việc làm đến tư vấn, chuyển giao kỹ thuật cho họ. Từ cơ sở tạm bợ, lao động ít ban đầu, dần dần tiếng lành đồn xa, chị em phụ nữ trong xã đến tham gia ngày một đông hơn, nguồn hàng theo đó ngày càng nhiều và xuất bán nhiều nơi. Hiện tại, chị đầu tư một xưởng đan ghế bằng song mây, bẹ chuối tại nhà với diện tích hơn 100m2, công việc này đã giúp giải quyết việc làm cho hơn 60 hội viên, phụ nữ tại địa phương, có thu nhập ổn định. 

     Chị Thu chia sẻ, nghề đan ghế bằng song mây, bẹ chuối, chỉ cần học vài ngày có thể thành thạo. Nghề này ai cũng có thể học được, làm được chỉ cần chịu khó, khéo léo, nhanh tay và tỉ mỉ. Thợ nhanh tay một ngày có thể làm được 2-3 cái ghế, thu nhập khoảng 100.000 – 150.000 đ. Bình quân tại xưởng chị, một lao động có thu nhập từ 3.500.000 – 4.000.000đ/tháng. Điều thuận lợi nhất ở đây là không ràng buộc về thời gian cho công nhân, người lao động. Ngoài việc làm tại cơ sở, nhân công nhận hàng về nhà để làm khi rảnh rỗi, miễn là hoàn thành sản phẩm đảm bảo số lượng quy định. Chị cho biết thêm, hàng năm chị còn đăng ký mua bảo hiểm y tế cho công nhân của mình nên công nhân làm việc tại xưởng của chị rất yên tâm và gắn bó với công việc.

     Chị Nguyễn Mộng Hoài Nhi, Chủ tịch Hội LHPN xã Diên Lạc chia sẻ: “Cơ sở đan ghế mây, bẹ chuối của chị là mô hình hay, sáng tạo. Nhiều năm qua, cơ sở này đã tạo việc làm, thu nhập ổn định cho người dân và phụ nữ ở địa phương. Không chỉ vậy, chị Thu còn tranh thủ thời gian rảnh rỗi làm vườn, mua bán lúa để kiếm thêm thu nhập cho gia đình”. Chị Thu là một tấm gương điển hình về phụ nữ phát triển kinh tế rất đáng để cho chị em phụ nữ tại địa phương học tập theo.

                                                                                                                     Hoài Nhi