Xã Diên Thọ: Hiệu quả Tổ liên kết phụ nữ khởi nghiệp từ vườn cây ăn quả
Nhận thấy thổ nhưỡng, điều kiện ở địa phương phù hợp với các loại cây ăn quả, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Diên Thọ, huyện Diên Khánh đã vận động, khuyến khích hội viên chuyển đổi cây trồng. Hội đã xây dựng mô hình “Tổ liên kết phụ nữ khởi nghiệp từ vườn cây ăn quả”, mang lại hiệu quả kinh tế ổn định cho nhiều gia đình hội viên.
Chị Nguyễn Thị Cúc (bên trái) chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc cây ăn quả cho các thành viên trong mô hình.
Trước đây, người dân xã Diên Thọ chủ yếu trồng keo, mía đường và các loại hoa màu ngắn ngày nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Để giúp hội viên phát triển kinh tế hiệu quả, tháng 8-2018, Hội LHPN xã thành lập mô hình “Tổ liên kết phụ nữ khởi nghiệp từ vườn cây ăn quả” với 10 thành viên tham gia. Các thành viên được Hội LHPN huyện Diên Khánh trao tặng 10 phương tiện sinh kế, mỗi suất trị giá 500.000 đồng để mua cây trồng.
Sau khi nhận được phương tiện sinh kế, gia đình Chị Nguyễn Thị Cúc (thôn Cẩm Sơn) trồng thử nghiệm cây chuối, mít và bưởi. Sau 3 năm, các loại cây này bắt đầu cho thu hoạch. Được sự hỗ trợ của Hội LHPN xã, bà Cúc vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội để mua thêm các giống cây, mở rộng sản xuất. Hiện nay, trên diện tích 9.000m2 đất, gia đình bà trồng khoảng 300 cây mít, 300 cây bưởi, 1.000 cây chuối, 300 cây tắc, 100 cây dừa. Các loại cây cho thu hoạch quanh năm, trung bình 2 lần/tháng; riêng mít được thu hái hằng ngày với sản lượng hơn 100kg/ngày. Nhờ đó, kinh tế gia đình bà dần phát triển và trả được tiền vốn đã vay. Bà Cúc cho biết: “Gia đình tôi làm vườn từ năm 2000, chủ yếu trồng bắp, ớt, đu đủ, dưa leo, đậu cove… nên tốn nhiều công chăm sóc. Từ khi chuyển sang trồng cây ăn quả, nhờ có máy móc hỗ trợ nên việc trồng trọt thuận lợi hơn. Mỗi tháng, tôi thu về khoảng 20 triệu đồng từ bán các loại cây ăn quả. Ngoài ra, tôi còn nuôi gà, ngỗng để kiếm thêm thu nhập”.
Các thành viên khác của mô hình cũng thực hiện trồng cây ăn quả với diện tích từ 0,9 đến 7ha/hộ. Thời điểm phát triển, mô hình có đến 24 thành viên tham gia. Sau khi diện tích đất bị thu hẹp do làm đường, đến nay, mô hình có 12 thành viên với diện tích 18ha, trồng các loại cây ăn quả như: Mít, bưởi, xoài, cam xoàn, quýt, dừa, chuối... Chị Phan Thị Đẹp - Chủ nhiệm mô hình cho biết: “Ngoài trồng cây ăn quả, các hộ còn trồng xen canh cây ngắn ngày để có thu nhập trang trải cuộc sống. Khi tham gia mô hình, bên cạnh chia sẻ cách trồng và chăm sóc, phòng ngừa sâu bệnh cho cây, lựa chọn cây trồng có hiệu quả, các thành viên còn giúp nhau tiêu thụ sản phẩm làm ra. Nhờ đó, cây ăn quả ở địa phương ngày càng đạt năng suất, chất lượng cao. Trước đây, người trồng phải tìm thương lái thì nay họ tự tìm đến tận vườn để cắt quả, thu mua nên các thành viên rất yên tâm”. Gia đình bà Đẹp cũng đầu tư trồng 500 gốc xoài tứ quý trên diện tích 5.000m2 và thuê thêm 8.000m2 đất để trồng chuối, đu đủ, cam xoàn, mít, chanh, bưởi. Sau thời gian trồng, đến nay gia đình bà bắt đầu thu hoạch các loại cây ăn quả với thu nhập từ 5 đến 7 triệu đồng/tháng.
Theo chị Phạm Thị Bích Liên - Phó Chủ tịch Hội LHPN xã, thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025”, hội đã thành lập mô hình để hỗ trợ hội viên. Hội đã giúp các thành viên vay vốn để đầu tư trồng trọt với mức 50 triệu đồng/hộ; tổ chức tập huấn, tham quan các mô hình hiệu quả; đi thực địa tiếp cận kỹ thuật chăm sóc và ngừa sâu bệnh cho cây. Đồng thời, hội phối hợp với Hội Nông dân xã mở các lớp tập huấn về trồng và chăm sóc các loại cây phù hợp với thổ nhưỡng, điều kiện ở địa phương; ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Hội còn giới thiệu sản phẩm của hội viên tại các phiên chợ, hội chợ trong tỉnh; liên kết với các đơn vị ở TP. Nha Trang tiêu thụ sản phẩm… Đến nay, nhờ trồng cây ăn quả, các thành viên có thu nhập từ 70 - 100 triệu đồng/năm, giúp gia đình hội viên ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế.
Chị Phạm Thị Hòa - Chủ tịch Hội LHPN huyện Diên Khánh:Mô hình “Tổ liên kết phụ nữ khởi nghiệp từ vườn cây ăn quả” do Hội LHPN xã Diên Thọ thực hiện là một mô hình kinh tế hiệu quả. Mô hình không chỉ giúp chị em chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, mà còn đảm bảo ổn định đầu ra cho nông sản, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống, góp phần cùng địa phương thực hiện tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
CHÂU TƯỜNG
Nguồn: https://baokhanhhoa.vn/kinh-te/202412/xa-dien-tho-hieu-quato-lien-ket-phu-nu-khoi-nghiep-tu-vuon-cay-an-qua-5904e7a/