ĐỀ CƯƠNG TUYÊN TRUYỀN Kỷ niệm 115 năm Ngày sinh đồng chí Hoàng Đình Giong, lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam (01/6/1904 - 01/6/2019)

phunu.khanhhoa.gov.vn ── [ In trang Chủ nhật, 22/12/2024 ]

I- KHÁI LƯỢC TIỂU SỬ VÀ QUÁ TRÌNH HOẠT ĐỘNG CÁCH MẠNG CỦA ĐỒNG CHÍ HOÀNG ĐÌNH GIONG

Đồng chí Hoàng Đình Giong (tức Hoàng, Lầu Voòng, Trần Tin, Nam Bình, Văn Tư, Võ Văn Đức, Vũ Đức, Lê Minh, Cụ Vũ), người dân tộc Tày, sinh ngày 01/6/1904 tại làng Thôm Hoáng, xã Hạ Hoàng, về sau chuyển sang Nà Toàn, xã Xuân Phách (nay thuộc phường Đề Thám, thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng).

Từ khi còn nhỏ, Hoàng Đình Giong là một học sinh thông minh, học giỏi, sớm có tinh thần yêu nước và ghét thực dân đế quốc. Những năm 1923-1924, đồng chí đã bí mật tuyên truyền tinh thần yêu nước trong học sinh các trường tiểu học ở Thị xã Cao Bằng, huyện Hòa An và Hà Quảng. Từ cuối năm 1925 đến đầu năm 1926, đồng chí học ở Trường Bách Nghệ (Hà Nội) và tích cực tham gia phong trào bãi khóa của học sinh Hà Nội, tham gia tổ chức lễ truy điệu nhà yêu nước Phan Chu Trinh và bị đuổi học, trở về Cao Bằng. Với nhiệt huyết và sớm được giác ngộ cách mạng, đồng chí đã tích cực tham gia tuyên truyền, vận động cách mạng tại quê hương.

Năm 1927, đồng chí bí mật sang Long Châu, Trung Quốc để bắt liên lạc với tổ chức Hội. Năm 1928 đồng chí được kết nạp vào Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên (VNCMTN). Tháng 12/1929, đồng chí Hoàng Đình Giong được kết nạp vào Đông Dương Cộng sản Đảng và được bầu làm Bí thư chi bộ Hải ngoại (Long Châu, Trung Quốc).

Tháng 3/1935 đồng chí được cử làm Trưởng đoàn đại biểu Xứ uỷ Bắc Kỳ tham dự Đại hội lần thứ I của Đảng tại Ma Cao, Trung Quốc và được bầu vào Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương (khoá I), phụ trách Xứ uỷ Bắc Kỳ.

Ngày 4/2/1936 đồng chí bị thực dân Pháp bắt giam và đày đi khắp các nhà tù đế quốc: Cao Bằng, Hoả Lò - Hà Nội, Sơn La, Bắc Mê - Hà Giang; rồi bị đày đi biệt xứ tận đảo Ma-đa-ga-xca, Châu Phi.

Là người có kinh nghiệm đấu tranh trong nhà tù của đế quốc, đồng chí Hoàng Đình Giong đã có sách lược khôn khéo, tranh thủ lực lượng Đồng Minh và cùng các bạn tù chính trị trở về Tổ quốc an toàn. Năm 1943, trong “chuyến đi thử lửa” trở về nước lần thứ nhất1, đồng chí được giao nhiệm vụ đưa yêu sách nhờ Đảng Cộng sản Ấn Độ tạo áp lực dư luận, buộc quân Tưởng thả Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Tháng 10/1944, sau khi thoát khỏi nhà tù đế quốc, trở về nước, nhảy dù xuống Cao Bằng, bắt liên lạc với tổ chức.

Trong cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945, đồng chí được giao nhiệm vụ làm Trưởng ban khởi nghĩa của tỉnh Cao Bằng tổ chức lãnh đạo lực lượng vũ trang phối hợp với sự nổi dậy của quần chúng đánh chiếm các nơi chiếm đóng của quân Nhật, đối phó với quân Tưởng, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân, giành chính quyền cách mạng ở Cao Bằng từ ngày 20 - 22/8/1945.

Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, đồng chí Hoàng Đình Giong được Đảng và Bác Hồ giao trách nhiệm Chỉ huy Đội quân Nam tiến. Trong thời gian này, đồng chí đã được Đảng giao giữ nhiều chức vụ quan trọng, như: Chủ nhiệm Chính trị Bộ (Chính uỷ) Quân giải phóng Nam Bộ, Khu Bộ trưởng (Tư lệnh) đầu tiên Khu IX, Khu Bộ trưởng (Tư lệnh) Khu VI. Năm 1947, đồng chí đã anh dũng hy sinh tại mặt trận Ninh Thuận

Với công lao và cống hiến to lớn cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam, đồng chí Hoàng Đình Giong đã được Đảng, Nhà nước truy tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Hồ Chí Minh (năm 1998); Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (năm 2009); Lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam (năm 2018).

II- HOẠT ĐỘNG VÀ CỐNG HIẾN NỔI BẬT CỦA ĐỒNG CHÍ HOÀNG ĐÌNH GIONG ĐỐI VỚI CÁCH MẠNG VIỆT NAM

1. Đồng chí Hoàng Đình Giong - Người cán bộ chính trị, quân sự cấp cao thuộc thế hệ đầu tiên của Đảng và Quân đội

a) Bí thư Chi bộ hải ngoại Long Châu, chịu trách nhiệm gây dựng và phát triển phong trào cách mạng Cao Bằng - Lạng Sơn

Trước yêu cầu của cách mạng, năm 1927, đồng chí Hoàng Đình Giong đã bí mật tới Long Châu, Trung Quốc tham dự các lớp huấn luyện của Hội VNCMTN. Ngày 19/6/1928, đồng chí được kết nạp vào tổ chức Hội VNCMTN tại cơ sở Long Châu và cùng các đồng chí khác xây dựng cơ sở cách mạng, tập hợp cán bộ, mở các lớp huấn luyện, truyền bá tư tưởng yêu nước, cách mạng của đồng chí Nguyễn Ái Quốc.

Với tư cách là người phụ trách Hội ở Long Châu, đồng chí Hoàng Đình Giong đã ra sức chỉ đạo xây dựng, phát triển tổ chức Hội VNCMTN; chọn cử những thanh niên ưu tú tham gia các lớp huấn luyện của Hội. Nhiều thanh niên các dân tộc Cao Bằng đã lên đường làm cách mạng và được chọn cử tham gia các lớp huấn luyện của Hội. Sau khi kết thúc khoá học, một số đồng chí đã được cử về Cao Bằng tuyên truyền, vận động, tổ chức các cơ sở Hội VNCMTN. Cuối năm 1928, các cơ sở Hội ở Thị xã Cao Bằng và Mỏ thiếc Tĩnh Túc đã được thành lập. Đây là những cơ sở Hội đầu tiên, tạo tiền đề cho phong trào cách mạng Cao Bằng phát triển mạnh mẽ.

Tháng 12/1929, đồng chí Hoàng Đình Giong, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Văn Nọn được kết nạp vào Đông Dương Cộng sản Đảng và thành lập Chi bộ Hải ngoại ở Long Châu Trung Quốc, đồng chí Hoàng Đình Giong được bầu làm Bí thư Chi bộ. Với tư cách là Bí thư Chi bộ, đồng chí đã chỉ đạo việc tổ chức, gây dựng và phát triển phong trào cách mạng ở Cao Bằng và Lạng Sơn.

Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, Chi bộ Hải ngoại Long Châu do đồng chí Hoàng Đình Giong làm Bí thư chính thức trở thành chi bộ của Đảng Cộng sản Việt Nam. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Hoàng Đình Giong, cơ sở Đảng, phong trào cách mạng Cao Bằng tiếp tục phát triển. Từ một chi bộ Đảng (năm 1930) đến năm 1935 đã có 10 chi bộ hoạt động ở 5 huyện (Hoà An, Hà Quảng, Quảng Uyên, Thạch An, Nguyên Bình) và mỏ thiếc Tĩnh Túc, với số lượng trên 70 đảng viên. Đến tháng 7/1933, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Cao Bằng do đồng chí Hoàng Như làm Bí thư được Đảng Cộng sản Đông Dương công nhận. Cùng với việc xây dựng tổ chức Đảng, đồng chí Hoàng Đình Giong luôn quan tâm chỉ đạo thành lập các tổ chức quần chúng cách mạng ở Cao Bằng (Công hội đỏ, Cộng sản Đoàn, Nông hội đỏ) và trực tiếp chỉ đạo Đảng bộ Cao Bằng xuất bản tờ báo "Cờ đỏ", tuyên truyền cách mạng, giác ngộ quần chúng. Đồng chí đã chỉ đạo xây dựng Cao Bằng thành một trong những cơ sở vững chắc để chắp nối liên lạc giữa Ban Chỉ huy ở ngoài nước của Đảng với bộ phận lãnh đạo Trung ương đang hoạt động trong nước và các cơ sở Đảng trong phạm vi toàn quốc, nhất là trong quá trình tái lập hệ thống tổ chức Đảng và phong trào cách mạng sau thời kỳ bị khủng bố trắng trong những năm 1931 - 1932.

b) Chỉ đạo các tổ chúc và phong trào cách mạng ở Hải Phòng, Quảng Ninh (1933-1936)

Sau cao trào cách mạng năm 1930 - 1931, phong trào cách mạng bị thực dân Pháp khủng bố ác liệt. Đảng bộ Hải Phòng và Hòn Gai (nay là Quảng Ninh) gặp vô cùng khó khăn, hệ thống tổ chức Đảng bị suy yếu, số đảng viên còn lại rất ít. Đầu năm 1933, với cương vị là Uỷ viên Xứ uỷ Bắc Kỳ, đồng chí Hoàng Đình Giong được giao nhiệm vụ kiểm tra, uốn nắn và chỉ đạo xây dựng, củng cố lại tổ chức Đảng và quần chúng ở Hải Phòng và Hòn Gai; đồng thời chắp nối liên lạc giữa hai Đảng bộ Hải Phòng;, Hòn Gai với Xứ uỷ Bắc Kỳ.

Bất chấp sự khủng bố, truy lùng của thực dân Pháp, đồng chí Hoàng Đình Giong đã tích cực chỉ đạo, xây dựng và củng cố tổ chức Đảng và quần chúng. Nhờ đó các chi bộ Đảng tại Hải Phòng dần được tái lập và trở thành hạt nhân lãnh đạo phong trào đấu tranh của công nhân và nông dân Hải Phòng, đặc biệt là khu vực Cảng, Nhà máy Xi măng, Nhà máy Tơ, Nhà máy Carông, làng Lạc Viên, khu Hàng Kênh, An Dương, vùng nông thôn Kiến An. Tại vùng mỏ Hòn Gai, Cẩm Phả, đồng chí đã trực tiếp chỉ đạo khôi phục một số chi bộ Đảng như: Chi bộ Uông Bí - Vàng Danh, Chi bộ nhà máy kẽm Quảng Yên...

Trong những năm 1932-1935, đồng chí Hoàng Đình Giong hoạt động thường xuyên, liên tục ở trong nước và ngoài nước. Đồng chí vừa trực tiếp lãnh đạo khôi phục tổ chức đảng ở các địa phương (Cao Bằng, Hải Phòng, Quảng Ninh), vừa tích cực xây dụng, chắp nối đường dây liên lạc với các cơ sở Đảng ở Bắc Kỳ, đồng thời ra sức khôi phục phong trào cách mạng giai đoạn 1933 - 1935.

Đầu năm 1936, thực hiện sự phân công của Trung ương, đồng chí Hoàng Đình Giong trở lại vùng Duyên Hải (Hải Phòng, Quảng Ninh) hoạt động nhằm tăng cường củng cố đường dây liên lạc từ nước ngoài về nước chỉ đạo phong trào đấu tranh cách mạng. Ngày 04/2/1936, tại Hải Phòng, đồng chí Hoàng Đình Giong bị mật thám Pháp bắt giam và đày đi nhiều nhà tù trong nước, rồi đày đi biệt xứ tận đảo Ma-đa-ga-xca (châu Phi); và đến tháng 10/1944 mới thoát khỏi nhà tù đế quốc, trở về Cao Bằng.

c) Lãnh đạo khởi nghĩa giành chính quyền tại tỉnh Cao Bằng

Trở về nước, đồng chí Hoàng Đình Giong được đồng chí Vũ Anh2 (tức Trịnh Đông Hải), Uỷ viên Trung ương Đảng giao nhiệm vụ cùng Đảng bộ Cao Bằng tích cực chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền. Đồng chí đã tích cực khẩn trương củng cố lực lượng vũ trang phối họp với phong trào cách mạng của quần chúng tại căn cứ địa Cao Bằng, chuẩn bị đón thời cơ giành chính quyền trong cả nước.

Sau ngày Nhật đảo chính Pháp (9/3/1945), đồng chí Hoàng Đình Giong cùng Tỉnh uỷ Cao Bằng lãnh đạo nhân dân nổi dậy khởi nghĩa, xoá bỏ chính quyền cũ, thành lập chính quyền nhân dân ở hầu hết khắp nơi trong Tỉnh; đồng thời trấn áp bọn phản động và thổ phỉ. Đồng chí chỉ huy đánh bọn thổ phỉ ở Háng Tháng (Thông Nông) vào tháng 6/1945, tiêu diệt và bắt gọn cả toán phỉ trên 300 tên, thu 135 khẩu súng các loại.

Đầu tháng 8/1945, thực hiện Quân lệnh số 1 của Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc, Đảng bộ Cao Bằng cử ra Uỷ ban Khởi nghĩa của Tỉnh do đồng chí Hoàng Đình Giong làm Trưởng ban tổ chức lãnh đạo lực lượng vũ trang phối hợp với sự nổi dậy của quần chúng đánh chiếm các nơi chiếm đóng của quân Nhật, đối phó với quân Tưởng, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân, giành chính quyền cách mạng từ ngày 20 - 22/8/1945. Ngoài việc lãnh đạo chung, đồng chí trực tiếp chỉ đạo khởi nghĩa tại Nước Hai, châu lỵ Hoà An.

d) Chỉ huy Đội quân Nam tiến và Mặt trận Khu IX, Khu VI, cùng cả nước đánh đuổi thực dân Pháp xâm lược

Ngay sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, thực dân Pháp đã gây hấn ở Nam Bộ, thực hiện mưu đồ đặt ách thống trị trên đất nước ta một lần nữa. Đồng chí Hoàng Đình Giong được Trung ương Đảng và Bác Hô giao nhiệm vụ làm Chỉ huy Trưởng Đội quân Nam tiến, với bí danh là Võ Văn Đức (tên Bác Hồ đặt). Tháng 11/1945, tại Hội nghị An Phú Xá (Gia Định), đồng chí Võ Văn Đức (lúc này đã được đổi tên thành Vũ Đức) được cử làm Chủ nhiệm Chính trị Bộ (Chính uỷ) Quân giải phóng Nam Bộ. Ngày 10/12/1945, Xứ ủy Nam Bộ triệu tập hội nghị mở rộng, đồng chí được Trung ương cử làm Khu Bộ trưởng (Tư lệnh) Khu IX. Khu Bộ trưởng Vũ Đức đã cùng một đơn vị tiếp tục “Nam tiến” tới tận Cà Mau.

Tại Chiến khu IX, đồng chí cùng với Liên Tỉnh ủy và Bộ Chỉ huy Chiến khu đề ra những chủ trương đúng đắn phù hợp với đặc điểm tình hình địch - ta trên chiến trường, chỉ huy các mặt trận chiến đấu, tiêu diệt địch. Đồng chí đã thể hiện được vai trò của một Khu Bộ trưởng trong việc xây dựng, phát triển lực lượng kháng chiến, xây dựng thống nhất lực lượng vũ trang Nam Bộ; xây dựng căn cứ địa U Minh; giải quyết vấn đề đại đoàn kết dân tộc, nhất là với đồng bào Khơ- me3, đoàn kết tôn giáo; phối hợp xây dựng lực lượng ở các nước Đông Nam Á (Campuchia, Lào, Thái Lan) chiến đấu chống lại thực dân Pháp xâm lược. Những thành tích xuất sắc của Tư lệnh Vũ Đức trong những ngày đầu năm 1946 đã góp phần củng cố và tổ chức lại bộ đội, giải quyết đúng đắn chính sách dân tộc, xây dựng khối đoàn kết toàn dân tộc, gắn kết lực lượng cách mạng với các dân tộc, tạo thành một thế trận toàn dân, cùng nhau chống lại kẻ thù chung là thực dân Pháp xâm lược.

Cuối tháng 11/1946, Khu Bộ trưởng Vũ Đức lên đường ra Bắc nhận nhiệm vụ mới. Khi đến tỉnh Ninh Thuận, đồng chí được Trung ương phân công ở lại làm Khu Bộ trưởng Khu VI. Đồng chí đã có nhiều đóng góp to lớn trong việc chỉ đạo xây dựng củng cố Trung đoàn 81 (Ninh Thuận), Trung đoàn 82 (Bình Thuận), huấn luyện tác chiến và bồi dưỡng chiến tranh du kích cho lực lượng vũ trang Khu VI, giúp đỡ Đảng bộ Ninh Thuận, Bình Thuận lãnh đạo, chỉ đạo tiến hành chiến tranh du kích, vận động đồng bào các dân tộc tích cực tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp. Tại Khu VI lúc bấy giờ, đồng chí luôn bám sát cơ sở, phong trào cách mạng, chỉ huy chiến đấu và đã anh dũng hy sinh tại chiến trường Ninh Thuận.

2. Đồng chí Hoàng Đình Giong - Người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Là một học sinh thông minh, học giỏi, sớm có lòng yêu nước, căm thù giặc sâu sắc, những tháng ngày học ở Trường Bách Nghệ, Hà Nội, Hoàng Đình Giong đã được đọc và nghiên cứu nhiều tài liệu tuyên truyền của tổ chức Hội VNCMTN như một làn gió thổi bùng lên niềm khát khao cháy bỏng, thôi thúc chàng trai dân tộc Tày. Đặc biệt là từ khi được tham dự các lớp huấn luyện của tổ chức Hội tại Long Châu, Trung Quốc, từ một thanh niên giàu lòng yêu nước, đồng chí Hoàng Đình Giong trở thành người cộng sản và là một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trong quá trình tham gia hoạt động cách mạng, đồng chí Hoàng Đinh Giong luôn bộc lộ rõ khí chất và tài năng của người cách mạng và được Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc phát hiện, dìu dắt. Khi Nam Bộ kháng chiến, được Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ làm Chỉ huy Trưởng Đội quân Nam tiến, đồng chí Hoàng Đình Giong đã thể hiện rõ là một người vừa có văn, vừa có võ, lại vừa có đức, xứng với tên Võ Văn Đức mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt.

Thực hiện tốt lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh "Chú cầm quân ra chiến trường văn võ đều cần, nhưng phải coi trọng cái đức của người cán bộ cách mạng", ở cương vị nào, đồng chí Hoàng Đình Giong đều thể hiện phẩm chất cao đẹp và bản lĩnh của một vị "Tướng quân tại ngoại”.

Thấm nhuần sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết toàn dân tộc và đoàn kết quốc tế, đồng chí Hoàng Đình Giong luôn kiên trì xây dựng khối đoàn kết vững chắc giữa bộ đội các địa phương với nhau, giữa đồng bào các dân tộc Việt với nhau, giữa các lực lượng cách mạng với các dân tộc, đặc biệt là đồng chí đã phối hợp xây dựng lực lượng cách mạng ở các nước Đông Nam Á (Campuchia, Lào, Thái Lan) tạo thành sức mạnh chiến đấu chống giặc ngay từ những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp.

Ở đồng chí Hoàng Đình Giong nổi bật là tinh thần trách nhiệm, là ý thức tổ chức, kỷ luật và tuyệt đối phục tùng, chấp hành sự phân công của tổ chức. Đồng chí đã tích cực học tập và quán triệt tư tưởng, đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong công tác và lối sống. Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, đồng chí luôn đặt lợi ích của Đảng và dân tộc lên trên hết; sống giản dị, chân thành, gần gũi, gắn bó mật thiết với quần chúng nhân dân, luôn lắng nghe và tôn trọng ý kiến của quần chúng nhân dân, được quần chúng nhân dân đặc biệt yêu mến, tin tưởng, cảm phục.

Đồng chí Hoàng Đình Giong là một tấm gương sáng ngời của người cộng sản: sống vì Đảng, chết không rời Đảng, trọn đời hy sinh phấn đấu vì độc lập, tự do của dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân, tiêu biểu cho chủ nghĩa anh hùng cách mạng thời đại Hồ Chí Minh. Đồng chí xứng đáng là một trong những người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

3. Đồng chí Hoàng Đình Giong - Người Cộng sản kiên trung, suốt đời phấn đấu, hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc

Từ một thanh niên trí thức người dân tộc có lòng yêu nước nồng nàn và căm thù giặc sâu sắc, Hoàng Đình Giong đã đến với lý tưởng cộng sản và đi theo con đường cách mạng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh lựa chọn và trở thành một chiến sĩ cộng sản kiên trung, người con ưu tú của Đảng và dân tộc.

Nhận thức rõ những khó khăn, gian khổ, hy sinh trên con đường hoạt động cách mạng, đồng chí Hoàng Đinh Giong luôn căn dặn các đồng chí, đồng đội: “Rồi đây có thể gặp phải cảnh tù đày, tra tấn, nhưng không vì thế mà đầu hàng, phải chịu đựng vượt qua”. Bị thực dân Pháp bắt khi đang chỉ đạo phong trào cách mạng tại Hải Phòng (tháng 2/1936) và bị bọn mật thám tra tấn dã man, tìm mọi cách dụ dỗ, mua chuộc đầu hàng, đồng chí vẫn hiên ngang, dõng dạc tố cáo tội ác của thực dân Pháp và tay sai, khẳng định con đường cách mạng giải phóng dân tộc là con đường đúng đắn. Biết không thể khuất phục được ý chí sắt đá của Hoàng Đình Giong, thực dân Pháp đã đày đồng chí đi khắp các nhà tù đế quốc.

Trong nhà tù đế quốc, mặc dù bị kẻ thù tra tấn dã man, đồng chí Hoàng Đình Giong vẫn luôn tỏ rõ là linh hồn của tập thể những người cộng sản, là người có tinh thần cách mạng triệt để và lập trường giai cấp vững vàng, lạc quan, luôn động viên đồng chí, đồng đội tin tưởng vào tương lai của cách mạng và đất nước. Là một trong những người sáng lập và lãnh đạo chi bộ đặc biệt (chi bộ Cộng sản của các đảng viên tù chính trị) trong nhà tù Sơn La, đồng chí Hoàng Đình Giong cùng với các đồng chí của mình biến nhà tù thành trường học cách mạng, thành nơi đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cách mạng. Đặc biệt, trong những năm tháng bị đế quốc đày đi biệt xứ, đồng chí vẫn luôn hướng về quê hương, đất nước. Trên cơ sở nhận định, đánh giá đúng tình hình thời cuộc, vừa đấu tranh bất khuất, không khoan nhượng, vừa khôn khéo, đồng chí đã góp phần cùng tập thể trong tù đề ra được chủ trương, sách lược đúng đắn, tranh thủ Đồng minh để được nhanh chóng trở về nước tiếp tục hoạt động cách mạng.

Năm 1947, trong một trận chiến đấu ác liệt tại Chiến khu 7 (Ninh Thuận), đồng chí Hoàng Đình Giong chiến đấu và anh dũng hy sinh giữa lúc nhiệt huyết cách mạng đang tràn đầy. Đồng chí Hoàng Đình Giong hy sinh ở tuổi 43 nhưng đã có hơn 20 năm liên tục hoạt động, cống hiến cho Đảng và cách mạng. Cho đến giờ phút cuối cùng, đồng chí vẫn tỏ rõ khí phách hiên ngang, ý chí kiên cường, bất khuất của người cộng sản. Đồng chí là một biểu hiện sinh động của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh. Cuộc đời hoạt động cách mạng phong phú, sôi nổi và sự hy sinh oanh liệt của đồng chí Hoàng Đình Giong mãi mãi là tấm gương sáng cho các thế hệ mai sau học tập và noi theo. "Đồng chí Hoàng Đình Giong là một người cộng sản trung kiên, một người con tiêu biểu của đồng bào các dân tộc quê hương cách mạng Cao Bằng. Đồng chí đã chiến đấu kiên cường, cống hiến trọn đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và lý tưởng cộng sản cao đẹp..."4

III- HỌC TẬP ĐỒNG CHÍ HOÀNG ĐÌNH GIONG, CÙNG VỚI CẢ NƯỚC, ĐẢNG BỘ VÀ NHÂN DÂN CÁC DÂN TỘC TỈNH CAO BẰNG QUYẾT TÂM THỰC HIỆN THẮNG LỢI SỰ NGHIỆP CÁCH MẠNG VẺ VANG CỦA ĐẢNG VÀ DÂN TỘC

Cao Bằng vinh dự và tự hào là quê hương cách mạng, là quê hương thứ hai của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là quê hương sinh ra đồng chí Hoàng Đình Giong - người chiến sĩ cộng sản trung kiên, lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam, một trong những người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Kế thừa, phát huy truyền thống tốt đẹp của quê hương cách mạng, học tập tấm gương đồng chí Hoàng Đình Giong, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng không ngừng đoàn kết, nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng bộ tỉnh Cao Bằng đề ra qua các nhiệm kỳ Đại hội, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc ta gần 9 thập kỷ qua. Trong hơn 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện và đồng bộ đất nước, Đảng bộ Cao Bằng đã không ngừng vận dụng sáng tạo và cụ thể hoá đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho phù hợp với đặc điểm, tình hình của địa phương; lãnh đạo nhân dân các dân tộc Cao Bằng vượt qua mọi khó khăn, thử thách, giành được nhiều thành tựu trên các lĩnh vực, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Với nhiều thành tích xuất sắc trong đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Cao Bằng vinh đự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh. Toàn tỉnh có 406 Bà mẹ Việt Nam anh hùng; 6 huyện, thành phố, 23 xã, 19 đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang, 05 đơn vị Anh hùng Lao động và 27 cá nhân được phong tặng, truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang, Anh hùng Lao động.

* * *

Kỷ niệm 115 năm Ngày sinh của đồng chí Hoàng Đình Giong (01/6/1904 - 01/6/2019), người con ưu tú của quê hương Cao Bằng, lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam diễn ra vào thời điểm toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đang ra sức thi đua chào mừng 74 năm Ngày Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hô Chí Minh. Ôn lại cuộc đời hoạt động cách mạng và công lao và đóng góp to lớn của đồng chí Hoàng Đình Giong đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc Việt Nam cũng như quê hương Cao Bằng, chúng ta càng thêm tin tưởng, tự hào và tỏ lòng tri ân sâu sắc tới Đảng, Bác Hồ và các thế hệ đi trước; quyết tâm hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ nêu trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế.

BAN TUYÊN GIÁO TRUNG ƯƠNG - TỈNH UỶ CAO BẰNG

 

 1 Năm 1943, đồng chí Hoàng Đình Giong sau khi trải qua các nhà tù đế quốc được thực dân Anh đưa về nước hoạt động chống phát xít "để thu thập tin tức và làm hạt nhân phát triển phong trào chiến tranh du kích chuẩn bị cho những chiến dịch lớn của quân đồng minh đánh lại phát xít Nhật" ở Việt Nam. Đến Pác Bó, đồng chí được đưa xuống huyện Hòa An, gặp đồng chí Lã, Bí thư Liên Tỉnh ủy Cao - Bắc - Lạng kiêm Bí thư Tỉnh uỷ Cao Bằng và đồng chí Vũ Anh, ủy viên Trung ương Đảng để báo cáo tình hình với Trung ương Đảng về chủ trương lợi dụng đồng minh trở về nước hoạt động. Sau đồng chí quay trở lại Pác Bó, đi Vân Nam (Trung Quốc) để bay sang Ấn Độ. Chỉ trong thời gian rất ngắn khi Hoàng Đình Giong chuẩn bị trở lại Ấn Độ, cũng là lúc lãnh tụ Hồ Chí Minh bị Tưởng Giới Thạch bắt nên đại diện Trung ương Đảng ta giao nhiệm vụ cho Hoàng Đình Giong đưa yêu sách nhờ Đảng Cộng sản Ấn Độ gây dư luận để làm áp lực, buộc quân Tưởng thà Người. Đến tháng 10/1944 mới nhảy dù trở về chính thức (Dẫn theo: Báo An ninh thế giới số 479 ngày 20/8/2005, tr. 42).

2 Đồng chi Vũ Anh (tức Trịnh Đông Hải), Uỷ viên Trung ương Đảng (đại diện Trung ương bên cạnh lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc) trực tiếp chỉ đạo phong trào tại căn cứ địa cách mạng Cao Bằng ở cơ quan liên Tỉnh uỷ đặt tại vùng núi Lam Sơn

3 Những hoạt động của đồng chi Hoàng Đình Giong đã gây ấn tượng mạnh và in sâu trong lòng đồng bào Khơ-me. Đồng chí được đồng bào, đồng chí kính trọng gọi thân mật là "Cụ Vũ". Đến ngày nay, đồng bào ở nhiều nơi, đặc biệt là đồng bào vùng Phước Long vẫn còn nhắc đến công ơn "cứu mạng của cụ Vũ Đức", nhiều cụ già nói: "Nước Nam ta có Phật, ở Bắc có Phật Hồ Chí Minh, ở đây mình có Phật Vũ Đức, thằng Pháp rồi nó sẽ chết vì dám xúc phạm đến đất Phật". Tiếng tăm cụ Vũ Đức "không bao lâu đã truyền lan khắp miền Hậu Giang (khu 9) và cả Nam Bộ, ai cũng mến, ai cũng phục vị "Lục" (tiếng Khơ-me, “lục” là sư, tức là người lãnh tụ) Vũ Đức, từ cụ già đến em bé, khi gặp bộ đội là hỏi có phải bộ đội "Cụ Vũ" không, các chiến sĩ đều nói là bộ đội "Cụ Vũ", đồng bào rất mừng và tích cực ủng hộ bộ đội, ủng hộ kháng chiến.

4 Đại tướng Võ Nguyên Giáp: ''Hoàng Đình Giong - cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng (1904-1947).