Những đêm giao thừa bác đến với người nghèo

phunu.khanhhoa.gov.vn ── [ In trang Chủ nhật, 22/12/2024 ]

Bác Hồ - một tấm lòng vì nước vì dân. Suốt 24 năm làm Chủ tịch nước, mỗi độ Tết đến, Xuân về, Bác luôn nghĩ đến dân, lo sao cho Nhân dân có một mùa xuân ấm no, hạnh phúc, đặc biệt là những người nghèo. Trong sâu thẳm trái tim, người nghèo luôn là nỗi trăn trở của Bác.

Để động viên toàn thể chiến sĩ, đồng bào, thường thì trước Tết khoảng 2-3 tháng, Bác ra Chỉ thị cho các cơ quan, ban ngành chuẩn bị, chăm lo Tết cho nhân dân được chu đáo. Năm nào, Bác cũng tự mình chuẩn bị một bài thơ mừng năm mới, nhắc văn phòng chuẩn bị thiếp “Chúc Mừng Năm Mới” gửi đến những nơi xa xôi nhất, kể cả bộ đội ở các vùng rừng núi, hải đảo xa xôi và cán bộ công tác ở nước ngoài. Và năm nào, Bác cũng chuẩn bị cho mình chương trình “vi hành”, mà chỉ Bác và các đồng chí cảnh vệ biết, để tận mắt chứng kiến không khí đón tết của người dân Hà Nội.

Những đêm giao thừa bác đến với người nghèo

Các cuộc “vi hành” của Bác có thể kể tới như: tối Ba mươi Tết năm 1960, Bác đến thăm gia đình mẹ con chị Tín, một lao động nghèo ở phố Hàng Chĩnh, Hà Nội. Chiều mùng hai Tết năm 1961, Bác đến Văn Miếu dự buổi bình thơ Xuân của các cụ. Mùng hai Tết năm 1962, Bác đến thăm các cháu học sinh miền Nam ở Hải Phòng. Chiều 29 Tết năm 1963, Bác cải trang thành một cụ già theo cháu đi chợ hoa và chợ Đồng Xuân... Tất cả đều bí mật và bất ngờ.

Trong chuyến “vi hành” đêm Ba mươi Tết mùa xuân năm 1946 – mùa xuân độc lập đầu tiên của đất nước, Bác Hồ đã chứng kiến cảnh gia đình một người đạp xích lô “Tết mà không có Tết” ở ngõ hẻm Sinh Từ. Căn nhà không có một chút gì báo hiệu ngày Tết, ngoài một nén hương đang cháy dở trên bàn, còn chủ nhà thì đang đắp chiếu nằm mê mệt vì ốm. Bác đã xúc động lấy khăn lau nước mắt, lặng lẽ bước ra khỏi nhà, bảo đồng chí thư ký ghi lại địa chỉ để hôm sau báo cáo cho đồng chí Chủ tịch Hà Nội biết.

Cũng đêm Ba mươi Tết đó, đúng giờ giao thừa, khi Đài Tiếng nói Việt Nam truyền đi khắp đất nước lời chúc mừng năm mới của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thì Người hòa mình đón xuân cùng người dân Hà Nội ở đền Ngọc Sơn, trong vai một cụ già cùng cháu đi hái lộc.

Gần giao thừa mùa xuân 1960, Bác đến một ngõ nhỏ ở phố Hàng Chĩnh, vào một căn nhà nhỏ giống như một túp lều thăm mẹ con chị Tín – một người lao động nghèo. Gần đến giao thừa rồi mà chị Tín vẫn đang phải đi gánh nước thuê đổi gạo để sáng mai mùng một Tết có cơm ăn cho bốn đứa con của mình. Gặp Bác, chị Tín xúc động để rơi cả đôi thùng gánh nước xuống đất, run run cầm lấy bàn tay của Bác:

- Cháu không ngờ lại được Bác đến thăm...

Chỉ nói được vậy, chị đã òa lên khóc nức nở.

Vị Chủ tịch nước đã an ủi chị:

- Bác không đến thăm những gia đình như cô thì thăm ai...

Và Bác đã vào nhà thăm hỏi khá lâu năm mẹ con chị Tín. Chồng chị Tín là công nhân khuân vác ở bến Phà Đen đã mất cách đó bốn năm, còn chị thì vẫn chưa có việc làm ổn định, phải gánh nước thuê đắp đổi qua ngày.

Gia cảnh nghèo nàn của một gia đình sống giữa Thủ đô Hà Nội khi đất nước đã giành được độc lập sáu năm khiến Bác trăn trở. Bác tâm sự: “Một ngày dân chưa đủ ăn, áo chưa đủ mặc, các cháu chưa được học hành, mọi người còn khổ thì Bác ăn không ngon, ngủ không yên”.

Một tấm lòng vì nước, vì dân, khi người dân no ấm, hạnh phúc thì Bác vui, khi người dân nghèo khổ, cơm chưa đủ no, áo không đủ ấm thì Bác buồn. Đó cũng là tấm lòng của một con người vĩ đại “Tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu, hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc”. Đây cũng chính là một bài học lớn về đạo đức mà mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi cá nhân chúng ta cần học tập.

Theo TapchiCongsan.vn