Một số chính sách mới có hiệu lực trong tháng 5/2019

phunu.khanhhoa.gov.vn ── [ In trang Thứ năm, 25/4/2024 ]

1. Giáo viên không được xúc phạm, gây tổn thương cho học sinh

Ngày 12/4/2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 06/2019/TT-BGDĐT quy định quy tắc ứng xử trong các cơ sở giáo dục.

Theo đó, với học sinh, giáo viên không được xúc phạm, gây tổn thương; không trù dập, bạo hành, xâm hại, đồng thời, không thờ ơ, né tránh hoặc che giấu các hành vi vi phạm của học sinh.

Bên cạnh đó, phải sử dụng ngôn ngữ chuẩn mực, dễ hiểu, khen, phê bình phù hợp với đối tượng và hoàn cảnh; luôn mẫu mực, bao dung, đối xử công bằng và tích cực phòng, chống bạo lực học đường, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện.

\"mot-so-chinh-sach-moi-co-hieu-luc-trong-thang-52019.jpg

Giáo viên không được gây tổn thương cho học sinh (Ảnh minh họa)

2. Cộng điểm ưu tiên cho thí sinh có bằng trung cấp nghề

Thông tư 03/2019/TT-BGDĐT sửa đổi Quy chế thi THPT quốc gia nêu rõ, học sinh THPT, học viên GDTX có giấy chứng nhận nghề, bằng tốt nghiệp trung cấp nghề trong thời gian học THPT thì được cộng điểm ưu tiên khi xét tốt nghiệp THPT:

- Cộng 2 điểm nếu xếp loại giỏi với Giấy chứng nhận nghề, loại xuất sắc và giỏi đối với bằng trung cấp

- Cộng 1,5 điểm nếu xếp loại khá với Giấy chứng nhận nghề, loại khá và trung bình khá với bằng trung cấp.

- Cộng 1 điểm nếu xếp loại trung bình.

Thông tư có hiệu lực từ ngày 03/05/2019.

3. Cách chức cán bộ khi người tố cáo bị thương tật 61% trở lên do bị trả thù

Nghị định 31/2019/NĐ-CP nêu rõ 03 hình thức xử lý kỷ luật đối với người có thẩm quyền giải quyết tố cáo: khiển trách, cảnh cáo, cách chức. Trong đó, hình thức xử lý kỷ luật cao nhất là cách chức người có một trong các hành vi:

- Cố ý không giải quyết hoặc giải quyết trái pháp luật gây mất ổn định, an ninh, trật tự xã hội;

- Cố ý bỏ qua các bằng chứng, bỏ lọt các thông tin, tài liệu, làm mất hoặc làm sai lệch hồ sơ vụ việc; bao che cho người bị tố cáo gây mất ổn định, an ninh, trật tự xã hội;

- Không áp dụng biện pháp bảo vệ người tố cáo làm cho người tố cáo bị trả thù, trù dập dẫn đến thương tích hoặc tổn hại sức khỏe với tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc bị chết.

4. Tố cáo sai sự thật, công chức có thể bị xử lý hình sự

Nghị định 31/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp tổ chức thi hành Luật Tố cáo đã được Chính phủ ban hành ngày 10/4/2019, có hiệu lực từ ngày 28/05/2019. Một trong những nội dung đáng chú ý của Nghị định này là quy định các biện pháp xử lý đối với người tố cáo là cán bộ, công chức, viên chức.

Theo đó, cán bộ, công chức, viên chức tùy theo tính chất, mức độ, vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu có một trong các hành vi sau:

- Biết rõ việc tố cáo là không đúng sự thật nhưng vẫn tố cáo nhiều lần hoặc biết vụ việc đã được giải quyết đúng chính sách, pháp luật nhưng vẫn tố cáo nhiều lần mà không có bằng chứng chứng minh nội dung tố cáo;

- Cưỡng ép, lôi kéo, kích động, dụ dỗ, mua chuộc người khác tố cáo sai sự thật.

- Sử dụng họ tên của người khác để tố cáo gây mất đoàn kết nội bộ hoặc ảnh hưởng đến uy tín, hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, đơn vị.

5. Mã số hợp tác xã là mã số thuế

Theo Thông tư 07/2019/TT-BKHĐT, mỗi hợp tác xã được cấp một mã số duy nhất gồm 10 chữ số, gọi là mã số hợp tác xã. Mã số này đồng thời là mã số thuế của hợp tác xã.

Mã số hợp tác xã tồn tại trong suốt quá trình hoạt động của hợp tác xã và không được cấp lại cho tổ chức, cá nhân khác. Khi hợp tác xã chấm dứt hoạt động thì mã số chấm dứt hiệu lực.

Mã số hợp tác xã được tạo, gửi, nhận tự động bởi Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký hợp tác xã, Hệ thống thông tin đăng ký thuế và được ghi trên Giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã.

Theo luatvietnam.vn