Thuê người giúp việc gia đình có phải ký hợp đồng không?

phunu.khanhhoa.gov.vn ── [ In trang Chủ nhật, 24/11/2024 ]

* Câu hỏi:

Tôi thuê một người giúp việc trong gia đình, làm việc thường xuyên, chúng tôi đã thỏa thuận với nhau về công việc làm và tiền lương. Tôi muốn được biết với loại công việc này chúng tôi có phải ký hợp đồng lao động bằng văn bản không, nếu có thì hợp đồng được ký kết thế nào và cần những nội dung gì?

Lê Thị Mai (Diên Khánh)

* Trả lời:

Theo quy định của Bộ luật lao động, lao động là người giúp việc gia đình là người làm thường xuyên các công việc trong gia đình của một hoặc nhiều hộ gia đình. Các công việc trong gia đình bao gồm: nội trợ, quản gia, chăm sóc trẻ, chăm sóc người bệnh, chăm sóc người già, lái xe, làm vườn và các công việc khác cho hộ gia đình nhưng không liên quan đến hoạt động thương mại.

Trong quan hệ lao động về lao động giúp việc gia đình, người sử dụng lao động phải ký kết hợp đồng lao động bằng văn bản với người giúp việc gia đình.

Nội dung của hợp đồng lao động được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định tại Thông tư số 19/2014/TT-BLĐTBXH, gồm:

1. Thông tin cá nhân của các bên ký hợp đồng lao động
a) Họ và tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, số chứng minh nhân dân hoặc số hộ chiếu, nơi đăng ký hộ khẩu thường trú, địa chỉ nơi ở hiện tại của người ký hợp đồng lao động bên phía người sử dụng lao động;
b) Họ và tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, số chứng minh nhân dân hoặc số hộ chiếu, nơi đăng ký hộ khẩu thường trú, địa chỉ nơi ở hiện tại của người lao động;
c) Họ và tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, số chứng minh nhân dân hoặc số hộ chiếu, quan hệ với người lao động, nơi đăng ký hộ khẩu thường trú, địa chỉ nơi ở hiện tại của người đại diện theo pháp luật của người lao động từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi;
d) Họ và tên, số chứng minh nhân dân hoặc số hộ chiếu, nơi đăng ký hộ khẩu thường trú, địa chỉ liên lạc khi cần của người làm chứng (nếu có);
e) Họ và tên, quan hệ với người lao động, địa chỉ liên lạc của người báo tin khi cần thiết của người lao động.

2. Công việc và địa điểm làm việc

a) Công việc người lao động phải làm thường xuyên hàng giờ, hàng ngày, hàng tuần hoặc hàng tháng;

b) Địa điểm làm việc: địa chỉ của hộ gia đình hoặc các hộ gia đình nơi người lao động làm việc.

3.Thời hạn của hợp đồng lao động

a) Loại hợp đồng lao động (không xác định thời hạn hoặc xác định thời hạn hoặc hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng);

Trường hợp người ký hợp đồng lao động bên phía người sử dụng lao động là người được các thành viên trong hộ gia đình hoặc được các thành viên của các hộ gia đình cùng thuê mướn, sử dụng lao động là người giúp việc gia đình ủy quyền thì thời hạn của hợp đồng không vượt quá thời hạn được ủy quyền.

b) Thời điểm bắt đầu thực hiện hợp đồng: từ ngày, tháng, năm;

c) Thời điểm kết thúc hợp đồng: đến ngày, tháng, năm (đối với hợp đồng xác định thời hạn hoặc hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng).

4. Tiền lương

a) Tiền lương: số tiền ghi bằng tiền đồng Việt Nam (bao gồm cả chi phí ăn, chỗ ở của người lao động sống tại gia đình người sử dụng lao động nếu có), trong đó:

- Mức lương: số tiền trả cho người lao động được tính theo tháng hoặc theo tuần hoặc theo ngày hoặc theo giờ và được ghi bằng tiền đồng Việt Nam;

- Phụ cấp (nếu có): loại phụ cấp, điều kiện hưởng phụ cấp, mức phụ cấp (ghi bằng tiền đồng Việt Nam);

- Các khoản bổ sung khác (nếu có): khoản, mức tương ứng (ghi bằng tiền đồng Việt Nam), kỳ hạn trả (theo ngày hoặc theo tuần hoặc theo tháng);

b) Điều kiện, thời gian điều chỉnh mức lương, phụ cấp, trợ cấp và các khoản bổ sung khác (nếu có);

c) Hình thức trả lương: bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản;

Trường hợp chuyển khoản thì ghi rõ trách nhiệm của người sử dụng lao động, người lao động trong mở tài khoản ngân hàng, trả phí liên quan đến mở, duy trì tài khoản ngân hàng;

d) Thời hạn trả lương: ghi thời điểm trả lương cố định trong ngày hoặc trong tuần hoặc trong tháng.

5. Tiền thưởng (nếu có)

a) Điều kiện hưởng tiền thưởng;

b) Mức thưởng (ghi bằng tiền đồng Việt Nam), kỳ hạn trả thưởng (theo tuần hoặc theo tháng hoặc theo năm) và hình thức trả (bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản) cho người lao động.

6. Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi

a) Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi

Trường hợp người lao động không sống tại gia đình người sử dụng lao động: ghi thời điểm bắt đầu và thời điểm kết thúc công việc trong ngày;

Trường hợp người lao động sống tại gia đình người sử dụng lao động: ghi số giờ nghỉ trong một ngày, trong đó số giờ nghỉ liên tục; thời điểm bắt đầu và thời điểm kết thúc nghỉ liên tục.

b) Số ngày làm việc trong một tuần;

c) Ngày nghỉ hàng tuần: ghi ngày nghỉ cố định trong tuần (theo lịch);

d) Số ngày nghỉ hàng năm (nếu có);

đ) Số ngày nghỉ không hưởng lương (nếu có).

7. Trang bị bảo hộ lao động: loại phương tiện, số lượng, thời hạn cấp phương tiện bảo vệ cá nhân (theo ngày hoặc theo tuần hoặc theo tháng hoặc theo năm).

8. Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế

a) Bảo hiểm xã hội: Số tiền (ghi bằng tiền đồng Việt Nạm) tương đương với mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo tháng thuộc trách nhiệm của người sử dụng lao động theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội trả cho người lao động cùng với kỳ trả lương; hình thức trả (bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản cho người lao động);

b) Bảo hiểm y tế: số tiền (ghi bằng tiền đồng Việt Nam) tương đương với mức đóng bảo hiểm y tế bắt buộc theo tháng thuộc trách nhiệm của người sử dụng lao động theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế; kỳ hạn trả (cùng với kỳ trả lương); hình thức trả (bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản cho người lao động);

c) Trách nhiệm tự lo bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của người lao động.

9. Ăn và chỗ ở của người lao động

a) Chi phí ăn, ở của người lao động do người sử dụng lao động đài thọ hoặc người lao động trả cho người sử dụng lao động: mức chi phí ăn, chỗ ở ghi bằng tiền đồng Việt Nam; kỳ hạn trả (theo ngày hoặc tuần hoặc tháng); hình thức trả (bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản cho người sử dụng lao động);

b) Người sử dụng lao động và người lao động có trách nhiệm đảm bảo ăn, ở sạch sẽ, hợp vệ sinh.

10. Tiền tàu xe về nơi cư trú khi chấm dứt hợp đồng lao động đúng thời hạn: số tiền (ghi bằng tiền đồng Việt Nam).

11. Hỗ trợ học nghề, học văn hóa (nếu có): thời gian đi học (trong ngày hoặc trong tuần hoặc trong tháng); chi phí hỗ trợ (ghi bằng tiền đồng Việt Nam), kỳ hỗ trợ (theo ngày, theo tuần hoặc theo tháng); hình thức hỗ trợ (bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản) cho người lao động.

12. Trách nhiệm bồi thường của người lao động

a) Người lao động làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị, tài sản của người sử dụng lao động: ghi cụ thể loại dụng cụ, thiết bị, tài sản; mức độ hư hỏng, mức độ thiệt hại tài sản; mức bồi thường; hình thức bồi thường; thời hạn bồi thường;

b) Bồi thường khi người lao động làm mất dụng cụ, thiết bị, tài sản khác của người sử dụng lao động: ghi cụ thể loại dụng cụ, thiết bị, tài sản; mức bồi thường, hình thức bồi thường (bằng tiền mặt hoặc hiện vật hoặc hình thức khác); thời hạn bồi thường.

13. Những hành vi nghiêm cấm

a) Hành vi nghiêm cấm đối với người sử dụng lao động và các thành viên trong hộ gia đình, như: ngược đãi, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, quấy rối tình dục, cưỡng bức lao động; phạt tiền, cắt lương người lao động; giao việc cho người lao động không theo hợp đồng lao động; giữ bản chính giấy tờ tùy thân của người lao động; tiết lộ thông tin cá nhân ảnh hưởng xấu đến người lao động; tự ý lục soát, sử dụng đồ dùng cá nhân của người lao động và các hành vi khác do hai bên thỏa thuận;

b) Hành vi nghiêm cấm đối với người lao động, như: trộm cắp; đánh bạc; cố ý gây thương tích cho thành viên trong hộ gia đình hoặc người lao động khác làm cùng; sử dụng các chất gây nghiện; mại dâm; ngược đãi, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, quấy rối tình dục các thành viên trong hộ và người nhà các thành viên trong hộ; tự ý đưa khách, bạn bè, người nhà vào nhà hoặc nghỉ lại nhà của người sử dụng lao động; tự ý lục soát, sử dụng đồ dùng của các thành viên trong hộ; tiết lộ thông tin cá nhân các thành viên trong hộ hoặc của hộ gia đình và các hành vi khác do hai bên thỏa thuận.

Hợp đồng lao động được lập ít nhất hai bản, người sử dụng lao động giữ một bản, người lao động giữ một bản. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày ký hợp đồng lao động, người sử dụng lao động có trách nhiệm thông báo với Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi người lao động làm việc về việc sử dụng lao động là người giúp việc gia đình.

                                                                   Luật sư Nguyễn Thiện Hùng