Kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969-2019) Khánh Hòa 50 năm thực hiện Di chúc của Bác

phunu.khanhhoa.gov.vn ── [ In trang Thứ sáu, 22/11/2024 ]

Cách đây 50 năm, trước lúc đi xa, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ để lại cho toàn Đảng, toàn quân và toàn dân một nhân cách lớn, một tư tưởng lớn, một sự nghiệp lớn, mà Người còn để lại bản Di chúc lịch sử - một văn kiện cách mạng vô giá, có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc, thấm đẫm tinh thần nhân văn cao cả.

Thực hiện nghiêm túc những lời dặn và mong muốn của Người, 50 năm qua, Đảng bộ, quân và dân tỉnh Khánh Hòa đã không ngừng nỗ lực tạo dựng nền tảng, chuẩn bị tăng tốc trong xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH).

Những thành tựu nổi bật

Đến nay, tròn nửa thế kỷ thực hiện di nguyện của Bác, Khánh Hòa đã đạt được những thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực. Về KT-XH, tỉnh đã chú trọng phát triển hệ thống các đô thị trên địa bàn, từng bước đầu tư đồng bộ theo hướng văn minh, hiện đại các hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đô thị, nhất là nhà ở xã hội, công trình phúc lợi. Đến nay, Khánh Hòa có TP. Nha Trang là đô thị loại I, TP. Cam Ranh là đô thị loại III, 3 đô thị loại IV, 4 đô thị loại V và 8 khu vực xã được công nhận đạt tiêu chuẩn đô thị loại V.

ky-niem-50-nam-thuc-hien-di-chuc-cua-chu-tich-ho-chi-minh-1969-2019-khanh-hoa-50-nam-thuc-hien-di-chuc-cua-bac.jpg (74 KB)

Bên cạnh đó, nhiều công trình, dự án đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, góp phần tạo động lực liên kết phát triển toàn vùng, như: dự án mở rộng Quốc lộ 1, Quốc lộ 26, 27B, 27C, hầm đường bộ đèo Cả; đường Nha Trang - Đà Lạt, đường Phong Châu; đường cất hạ cánh số 2 thuộc Nhà ga hành khách quốc tế Sân bay Cam Ranh; Cảng quốc tế Cam Ranh... Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo đúng định hướng (tăng tỷ trọng dịch vụ và công nghiệp - xây dựng, giảm tỷ trọng nông - lâm - thủy sản). Tỉnh đã tập trung huy động các nguồn lực, khai thác và phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế biển, nhất là các lĩnh vực dịch vụ hàng hải, du lịch biển đảo, phát triển công nghiệp, kinh tế thủy sản với cơ cấu ngành, nghề phong phú, từng bước hiện đại. Trong đó, tập trung phát triển các ngành dịch vụ có hàm lượng tri thức và công nghệ cao; đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn gắn với bảo vệ môi trường, phát triển các ngành, nghề phụ trợ và liên kết vùng; dịch vụ vận tải phát triển mạnh, nhất là vận tải hàng không và vận tải biển.

Khánh Hòa hiện có 11.881 doanh nghiệp đang hoạt động, với nhiều loại hình doanh nghiệp, đa dạng về sở hữu, hoạt động đan xen tạo động lực khai thác tiềm năng phát triển KT-XH của tỉnh. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội giai đoạn 2015 - 2018 đạt 137.938 tỷ đồng, tăng bình quân 13,2%/năm. Giai đoạn 2015 - 2018, nhiều dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, với tổng vốn đăng ký 45.186 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân giai đoạn 2015 - 2018 đạt 5,88%/năm, trong đó GRDP bình quân đầu người năm 2019 ước đạt 66,3 triệu đồng; đã đảm bảo cân đối ngân sách để thực hiện các nhiệm vụ chi của tỉnh và có điều tiết về ngân sách Trung ương. Tính đến cuối năm 2018, toàn tỉnh có 45,7% số xã đạt 19 tiêu chí nông thôn mới, tương đương 43/94 xã, không còn xã dưới 5 tiêu chí.

Quan tâm chăm lo đời sống nhân dân

Một tư tưởng nổi bật trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tư tưởng trọng dân, thân dân. Thực hiện di nguyện của Bác, Khánh Hòa đã quan tâm chăm sóc sức khỏe, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân địa phương. Giai đoạn 2016 - 2018, toàn tỉnh đã thực hiện khám, chữa bệnh cho 8.600.735 lượt người, điều trị nội trú cho 578.800 lượt người. Công suất sử dụng giường bệnh của các bệnh viện luôn đạt tỷ lệ cao. Đến nay, Khánh Hòa là địa phương có 7,5 bác sĩ/10.000 dân, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng còn dưới 10%, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế trên 90%.

Công tác giảm nghèo đã được các cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát; thực hiện đầy đủ, đúng quy định các chế độ, chính sách về giảm nghèo, qua đó đời sống vật chất và tinh thần của các đối tượng yếu thế, người nghèo, đồng bào các dân tộc thiểu số từng bước cải thiện, nâng cao. Mục tiêu giảm nghèo đã được đưa vào các chương trình, kế hoạch phát triển KT-XH của các địa phương và được lồng ghép vào các chương trình KT-XH trọng điểm của tỉnh. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của Khánh Hòa còn 4,37%.

Chất lượng giáo dục - đào tạo từng bước được nâng cao; hệ thống trường lớp phát triển đa dạng theo quy định trong hệ thống giáo dục quốc dân, phân bổ hợp lý, đảm bảo nhu cầu của các vùng dân cư trong tỉnh. Hệ thống các cơ sở dạy nghề ngày càng được hoàn thiện, góp phần đào tạo đội ngũ lao động có tay nghề, chuyên môn. Đến cuối năm 2018, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 72,9%, trong đó, có 55,1% lao động qua đào tạo nghề; đáp ứng nhu cầu nhân lực phát triển của tỉnh và một phần của khu vực. Tăng trưởng kinh tế gắn với giải quyết việc làm cho người lao động trong thời gian qua đã làm giảm tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị từ 4% năm 2015 xuống còn 3,45% năm 2018; tỷ lệ thất nghiệp khu vực nông thôn giảm từ 3,91% năm 2015 xuống còn 2,32% năm 2018.

Bên cạnh tập trung phát triển kinh tế, an sinh xã hội, Khánh Hòa cũng đã triển khai tốt nhiệm vụ xây dựng, củng cố các tiềm lực khu vực phòng thủ tỉnh; bảo đảm hài hòa phát triển kinh tế đi đôi với củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh.

Nửa thế kỷ đã đi qua song “những lời nhắn lại trước lúc đi xa” của Người trong Di chúc vẫn sáng rõ tầm nhìn thời đại và vẹn nguyên giá trị. Di chúc của Người sẽ mãi là những chỉ dẫn, là động lực tinh thần giúp đất nước Việt Nam nói chung và tỉnh Khánh Hòa nói riêng vượt qua khó khăn, thách thức để tiến tới con đường phát triển bền vững.

(Nguồn: Theo baokhanhhoa.com.vn)