Hội LHPN tỉnh phối hợp tổ chức hoạt động góp phần kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh

phunu.khanhhoa.gov.vn ── [ In trang Thứ tư, 22/1/2025 ]
Theo số liệu của Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ): tình hình mất cân bằng giới tính khi sinh như hiện nay dự báo đến năm 2050 Việt Nam sẽ thiếu khoảng 2,3 - 4,3 triệu phụ nữ. Đây là một con số rất đáng quan tâm của các cấp, các ngành chức năng

hoi-lhpn-tinh-phoi-hop-to-chuc-hoat-dong-gop-phan-kiem-soat-mat-can-bang-gioi-tinh-khi-sinh.JPG (97 KB)

Tư vấn sức khỏe sinh sản, thực hiện hiệu quả chính sách DS - KHHGĐ

Mất cân bằng giới tính khi sinh dẫn đến tình trạng thừa nam thiếu nữ, không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống của cá nhân, gia đình, dòng tộc mà còn ảnh hưởng tiêu cực đối với sự phát triển bền vững của đất nước. Việc lựa chọn giới tính trước sinh phản ánh tình trạng bất bình đẳng giới sâu sắc. Vấn đề này cũng đã được nhấn mạnh trong Chiến lược Quốc gia về Dân số và Sức khỏe sinh sản giai đoạn 2011 - 2020. Tại Khánh Hòa, tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh là 110,4 trẻ em trai/100 trẻ em gái. Điều này cho thấy xu hướng gia tăng tỷ số giới tính khi sinh của tỉnh đang là mối quan tâm.

Nhằm góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu Chiến lược Quốc gia về Dân số và Sức khỏe sinh sản giai đoạn 2011 - 2020; Chương trình hành động số 22-CTr/TU ngày 12/12/2017 của Tỉnh ủy Khánh Hòa về công tác Dân số trong tình hình mới, thời gian qua, Hội LHPN tỉnh đã tập trung chỉ đạo Hội LHPN các huyện, thị, thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến luật pháp, chính sách của Đảng, Nhà nước về Dân số - Kế hoạch hóa gia đình và các văn bản liên quan đến dân số, nguyên nhân và hệ lụy của mất cân bằng giới tính khi sinh. Ký kết chương trình phối hợp liên tịch giữa Hội LHPN tỉnh với Sở Y tế tỉnh về “Phối hợp thực hiện công tác tuyên truyền, vận động bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, giai đoạn 2014 - 2020”. Theo đó, Hội LHPN các huyện, thị, thành phố phối hợp với ngành Y tế, Dân số - Kế hoạch hóa gia đình địa phương và các ban, ngành liên quan đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình, đặc biệt truyền thông sàng lọc trước sinh và sơ sinh cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ trên địa bàn, chú trọng tuyên truyền sâu rộng tại các xã thuộc huyện miền núi, vùng nông thôn, xã, phường biển. Hội LHPN các cấp đã phối hợp triển khai các hoạt động thuộc Đề án “Xã hội hóa cung cấp các phương tiện tránh thai và dịch vụ KHHGĐ, sức khỏe sinh sản tại khu vực thành thị và nông thôn phát triển giai đoạn 2015 - 2020” (gọi tắt là đề án 818); Đề án 52 về “Kiểm soát dân số các vùng biển, đảo và ven biển” và các nội dung liên quan đến sức khỏe sinh sản, sàng lọc trước sinh và sơ sinh; phối hợp các cơ quan, ban, ngành chức năng tổ chức các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, tập huấn kỹ năng truyền thông; xây dựng chuyên mục “Chăm sóc sức khỏe sinh sản, tầm soát sàng lọc trước sinh và sau sinh”, “Khó khăn của việc sàng lọc trước sinh và sơ sinh”…

Duy trì hiệu quả các mô hình can thiệp giảm mất cân bằng giới tính khi sinh thông qua tuyên truyền vận động, hoạt động biểu dương các gia đình phụ nữ tiêu biểu thực hiện tốt chính sách dân số, câu lạc bộ nuôi dạy con tốt, gia đình hạnh phúc, gia đình không sinh con thứ 3… đã góp phần quan trọng trong công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình, kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh tại cộng đồng.

Hằng năm, hưởng ứng Ngày Dân số thế giới (11/7) và Ngày Dân số Việt Nam (26/12), Hội LHPN các cấp phối hợp ngành Y tế, Dân số - KHHGĐ tổ chức 216 buổi tuyên truyền, giao lưu, nói chuyện chuyên đề, sinh hoạt câu lạc bộ…, thu hút trên 7.000 lượt hội viên, phụ nữ tham dự; vận động nguồn lực xã hội hóa tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa thiết thực nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm của phụ nữ trong gia đình, thực hiện sinh đẻ có kế hoạch, kiến thức về bình đẳng giới, về hôn nhân và gia đình…, kết hợp tư vấn, nói chuyện chuyên đề về chăm sóc sức khỏe sinh sản, kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, sàng lọc trước sinh và sơ sinh. Nhờ vậy, đã duy trì ổn định mức sinh hợp lý, ổn định quy mô dân số ở mức dưới 1,285 triệu người; từng bước kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh.

H.T