Quy định của pháp luật hiện nay về nghĩa vụ thủy chung, nghĩa tình của vợ chồng

phunu.khanhhoa.gov.vn ── [ In trang Thứ tư, 22/1/2025 ]

Tại khoản 1 Điều 4 của Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 quy định: “quan hệ hôn nhân và gia đình thực hiện theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình được tôn trọng và pháp luật bảo vệ” như vậy các mối quan hệ hôn nhân có giá trị pháp lý được pháp luật bảo vệ. Đồng thời, tại khoản 1 Điều 10 của Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 có quy định trường hợp cấm kết hôn với “người đang có vợ hoặc có chồng” - người đang có vợ hoặc có chồng được hiểu là:

- Người đã kết hôn với người khác theo đúng quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình nhưng chưa ly hôn.

- Người tuy chưa đăng ký kết hôn nhưng việc chung sống của họ được pháp luật công nhận là vợ chồng (hôn nhân thực tế và cũng chưa ly hôn). Quy định này cũng bảo vệ chế độ hôn nhân một vợ một chồng về mặt pháp lý. Như vậy, hôn nhân có giá trị và còn tồn tại là điều kiện để phát sinh nghĩa vụ chung thủy của vợ chồng.

quy-dinh-cua-phap-luat-hien-nay-ve-nghia-vu-thuy-chung-nghia-tinh-cua-vo-chong.jpg (52 KB)

Ảnh minh họa

Kết hôn hợp pháp:

Để đảm bảo là một cuộc hôn nhân hợp pháp, thì khi đăng ký kết hôn nam nữ bắt buộc phải tuân thủ các quy định về điều kiện kết hôn được quy định tại Điều 9. Điều 10 của Luật hôn nhân và gia đình năm 2014. Khi đăng ký kết hôn thì hai bên nam nữ phải nộp tờ khai theo mẫu quy định và xuất trình giấy Chứng minh nhân dân. Trước khi kết hôn, các cơ quan có thẩm quyền phải xác định thật chính xác tình trạng hôn nhân của người xin đăng ký kết hôn. Các quy định của pháp luật nhằm hạn chế tối đa việc kết hôn cho những người đang có vợ, có chồng.

Chế tài vi phạm nghĩa vụ chung thủy:

- Chế tài hành chính:

Theo Nghị định số 67/2015/NĐ-CP ngày 14/8/2015 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 110/2013 về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã tại khoản 1 Điều 48 quy định hành vi vi phạm quy định về cấm kết hôn, vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng; vi phạm quy định về ly hôn thì phạt tiền từ 1.000.000 đến 3.000.000 đồng một trong các hành vi sau:

a) Đang có vợ hoặc đang có chồng mà kết hôn với người khác, chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà kết hôn với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ;

b) Đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác;

c) Chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ;

Như vậy, theo quy định nêu trên thì những người đang có vợ hoặc đang có chồng được pháp luật công nhận mà lại kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác thì bị xử lý bằng biện pháp hành chính theo quy định.

- Chế tài hình sự:

Điều 47 Bộ luật hình sự năm 1999, Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13, tại Điều 182 (Tội vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng). Đây là biện pháp nghiêm khắc điều chỉnh hành vi vi phạm nghĩa vụ chung thủy của vợ chồng. Tại khoản 1, người nào đang có vợ có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mình biết rõ là đang có vợ có chồng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử lý hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm.

Tuy nhiên, khi xử phạt Tòa án cũng xem xét nếu người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ, không có tình tiết tăng nặng thì Tòa án có thể áp dụng Bộ luật hình sự dưới 6 tháng hoặc chuyển sang cải tạo không giam giữ, nếu người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng không có tình tiết giảm nhẹ thì hình phạt đến 3 năm tù (mức cao nhất của khung hình phạt).

Tóm lại: Nguyên tắc ứng xử chung thủy, nghĩa tình giữa vợ và chồng là nguyên tắc cơ bản, có tính xuyên suốt trong đời sống gia đình của mỗi cặp vợ chồng, tuy sự thể hiện của nguyên tắc này ở mỗi thời kỳ có sự khác nhau về hình thức, nhưng vẫn thể hiện được bản chất, truyền thống, nét văn hóa tốt đẹp được bảo tồn, duy trì và lưu truyền trong mỗi con người và cả dân tộc Việt Nam. Truyền thống này, cùng với những quy định của luật pháp về hôn nhân và gia đình đã góp phần xây dựng nền tảng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc.

Để có một gia đình tốt điều cần thiết là gia đình phải được xây dựng trên nền tảng hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, bình đẳng, một vợ một chồng và sự chung thủy, yêu thương, chăm sóc giúp đỡ lẫn nhau trong suốt thời kỳ hôn nhân tồn tại.

Từ những lý do trên Luật hôn nhân và gia đình năm 2000, năm 2014 đã cơ bản xây dựng được hệ thống các quy định pháp luật nhằm điều chỉnh các quan hệ về hôn nhân cũng như nhằm bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp khi vợ chồng xác lập mối quan hệ của hôn nhân theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó cũng có những quy định vừa mang tính pháp lý vừa mang tính điều chỉnh về trách nhiệm đạo đức trong mối quan hệ nhân thân trong đời sống giữa vợ và chồng nhằm giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam về lòng chung thủy, nghĩa tình của vợ và chồng.

Nguồn: Tài liệu tuyên truyền Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình (Bộ VHTT&DL)