Phòng ngừa xâm hại tình dục trẻ em

phunu.khanhhoa.gov.vn ── [ In trang Chủ nhật, 24/11/2024 ]
Xâm hại tình dục trẻ em đã và đang xảy ra ở mọi quốc gia trên thế giới. Xâm hại tình dục trẻ em gây ra những tổn thương về thể chất, tâm lý, xã hội nghiêm trọng và lâu dài. Các chuyên gia tâm lý cho rằng, các em bé bị lạm dụng tình dục từ nhỏ thường có biểu hiện lệch lạc về nhân cách, cô đơn, có xu hướng sống cực đoan, những trẻ này lớn lên sẽ rất khó hòa nhập với môi trường sống chung.

Xâm hình tình dục trẻ em là gì?

Xâm hại tình dục trẻ em xảy ra khi một ai đó sử dụng quyền lực hoặc lợi dụng sự tin tưởng của trẻ để lôi kéo trẻ vào hoạt động tình dục.

Xâm hại tình dục trẻ em bao gồm tất cả các hành vi tình dục không mong muốn, có thể bao gồm cả hành vi xâm hại có tiếp xúc hay hành vi xâm hại không tiếp xúc.

Xâm hại tình dục trẻ em bao gồm:

- Làm những hình ảnh, video có tính chất xâm hại trẻ em.

- Ép buộc trẻ em xem hay tham gia các hoạt động tình dục.

- Ép buộc trẻ em quan hệ tình dục hoặc lôi kéo trẻ em vào các hành vi tình dục với trẻ em khác hoặc với người lớn.

Trẻ em có quyền được bảo vệ theo Công ước Quốc tế về Quyền Trẻ em và luật pháp Việt Nam.

- Luật Trẻ em

- Luật Hình sự

- Luật Hôn nhân và Gia đình

- Luật Lao động

DIEN THOAI HO TRO TE.jpg (74 KB)

BẠN CÓ BIẾT

Trẻ em trai và trẻ em gái đều có thể là nạn nhân của xâm hại tình dục:

Cả trẻ em trai và trẻ em gái đều có thể là nạn nhân của xâm hại tình dục. Trẻ em thuộc giới thứ ba, trẻ em đang khám phá tình dục hoặc trẻ khuyết tật (tất cả các dạng khuyết tật) có nguy cơ cao bị xâm hại tình dục. Xâm hại tình dục có thể xảy ra với bất kỳ trẻ em nào.

Trẻ em thường biết rõ thủ phạm:

Thủ phạm xâm hại tình dục trẻ em thường là thành viên trong gia đình, cộng đồng hay ai đó mà trẻ tin cậy.

Kẻ xâm hại có thể là bạn bè của nạn nhân và gia đình của các em:

Kẻ xâm hại thường xây dựng mối quan hệ thân thiết với nạn nhân và gia đình của các em để che giấu hành vi xâm hại.

Xâm hại tình dục trẻ em có thể xảy ra trong hoạt động du lịch:

Một số ít người lợi dụng hoạt động du lịch để xâm hại tình dục trẻ em: có thể là khách du lịch, khách lữ hành, hay công dân nước ngoài, có hành vi xâm hại tình dục trẻ em ở một hay nhiều quốc gia, nơi họ đến du lịch hoặc sinh sống.

Trẻ thường không nói với người lớn khi bị xâm hại:

Vì nhiều lý do, trẻ thường giữ im lặng về việc bị xâm hại. Hãy quan sát các dấu hiệu, đừng chờ trẻ nói ra.

Mọi trẻ em đều có quyền được bảo vệ:

Tất cả trẻ em trên thế giới đều có quyền được bảo vệ khỏi mọi hình thức xâm hại. Là người lớn, chúng ta phải có trách nhiệm bảo vệ trẻ em. Không bao giờ được đổ lỗi cho trẻ em về việc trẻ em bị xâm hại.

THỦ ĐOẠN CỦA KẺ XÂM HẠI NHƯ THẾ NÀO ?

Kẻ xâm hại tình dục trẻ em dùng rất nhiều thủ đoạn để tiếp cận và xâm hại trẻ em.

Nhiều người thường nghĩ rằng, xâm hại tình dục trẻ em chỉ xảy ra một cách ngẫu nhiên bởi một người lạ. Trên thực tế, những kẻ xâm hại thường dành nhiều thời gian để xây dựng mối quan hệ thân thiết với trẻ (đôi khi là với gia đình trẻ). Quá trình này gọi là “Dụ dỗ” và có thể diễn ra theo một số bước:

Nhắm đối tượng: Thủ phạm xác định trẻ em chúng muốn xâm hại. Chúng thường nhắm đến những trẻ dễ bị tổn thương.

Xây dựng niềm tin: Thủ phạm tạo niềm tin ở trẻ bằng cách chia sẻ sở thích, tặng quà và kết bạn với trẻ.

Tạo bí mật: Thủ phạm bắt đầu tạo ra những bí mật riêng với trẻ bằng cách hứa hẹn, đe dọa hay ép buộc để trẻ không tiết lộ với ai

Hành động leo thang: Thủ phạm tiến tới việc giới tính hóa mối quan hệ với trẻ. Chúng thường đề cập đến các vấn đề tình dục và chia sẻ với trẻ những tài liệu đồi trụy, khiến trẻ trở nên “mất cảnh giác”.

Thực hiện xâm hại: Thủ phạm thực hiện hành vi xâm hại tình dục trẻ.

Không phải tất cả những kẻ xâm hại tình dục trẻ em đều áp dụng cùng một thủ đoạn dụ dỗ. Một số kẻ sử dụng các thủ đoạn khác như: tấn công bất ngờ, mua chuộc, lừa dối, khống chế, ép buộc.

Thông thường kẻ xâm hại không hoạt động một mình. Chúng có thể được hỗ trợ bởi những kẻ khác như: những kẻ tổ chức, những kẻ môi giới và những kẻ tạo điều kiện cho hoạt động xâm hại trẻ em xảy ra.

CÁC DẤU HIỆU CẢNH BÁO TRẺ CÓ NGUY CƠ BỊ XÂM HẠI LÀ GÌ?

- Hành vi của trẻ: Mặc dù những biểu hiện dưới đây vẫn chưa chứng tỏ trẻ bị xâm hại nhưng đó là những dấu hiệu cảnh báo mà chúng ta cần phải đặc biệt lưu ý:

Thay đổi tâm trạng, trở nên thu mình, trầm cảm, cáu giận bất thường hay trở nên hung hăng.

Bỏ nhà, đi đâu đó một thời gian. Học hành sa sút, bỏ học không lý do.Có tiền, quà tặng, điện thoại,… không rõ nguồn gốc. Có các hành vi tính dục không phù hợp với lứa tuổi.

Trẻ có hành vi hay gây rối.

- Hành vi của người lớn:

Cảnh giác với hành vi của những người lớn xung quanh trẻ. Những hành vi này có thể bao gồm: quan tâm quá mức, tặng quà, gây ảnh hưởng quá mức, yêu cầu được ở một mình với trẻ hoặc đến thăm trẻ mà không có sự giám sát của người lớn khác.

- Những dấu hiệu và triệu chứng về thể chất:

Các dấu hiệu và triệu chứng về thể chất ở trẻ bao gồm: mang thai, tổn thương hoặc các nhiễm trùng (ví dụ như các bệnh và nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục).

- Sự chia sẻ: Đôi khi, trẻ cảm thấy ngại chia sẻ với bố mẹ hoặc người chăm sóc về xâm hại, trẻ sẽ chia sẻ với những người lớn khác mà trẻ tin tưởng.

- Những dấu hiệu cảnh báo tại cộng đồng:

Những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn có nguy cơ cao bị xâm hại. Những cộng đồng có nhiều trẻ ăn xin, trẻ bỏ học, trẻ lang thang hoặc kiếm sống trên đường phố, trẻ thiếu sự quan tâm chăm sóc của cha mẹ, trẻ nghiện trò chơi điện tử hoặc internet là những cộng đồng có nguy cơ cao về xâm hại tình dục trẻ em. Cũng cần cảnh giác với những cộng đồng phát triển các dịch vụ giải trí hoặc du lịch có liên quan đến công nghiệp tình dục.

LÀM THẾ NÀO CÓ THỂ  BẢO VỆ ĐƯỢC TRẺ

- Đối thoại công khai và tuyên truyền:

+Tăng cường mối quan hệ giao tiếp giữa cha mẹ và con cái về xâm hại tình dục trẻ em.

+ Đối thoại công khai về bảo vệ trẻ em trên các phương tiện truyền thông, trong trường học và các nơi liên quan khác tại cộng đồng.

- Hoạt động phòng ngừa:

+ Kiểm tra chuyên môn và nhân thân của tất cả những nhân viên hoặc tình nguyện viên đang làm việc với trẻ em.

+ Tiếp nhận nghiêm túc các báo cáo và điều tra mọi sự nghi ngờ.

+ Hạn chế người lạ tiếp xúc với trẻ em và các địa điểm trẻ có thể ở một mình với người lớn.

+Thể hiện thái độ không khoan nhượng với mọi hành vi xâm hại tình dục trẻ em trong cộng đồng.

+ Thực hiện các chương trình can thiệp sớm hỗ trợ các gia đình dễ bị tổn thương.

- Biện pháp bảo vệ:

+ Cảnh giác! Chú ý tới các dấu hiệu cảnh báo trẻ có nguy cơ bị xâm hại.

+ Hành động ngay lập tức khi nhận được thông tin về trẻ em có nguy cơ bị xâm hại hoặc đã bị xâm hại.

+ Bảo đảm sự an toàn về thể chất cho trẻ khi cần thiết.

+ Trình báo mọi trường hợp trẻ em bị xâm hại với cán bộ bảo vệ trẻ em hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

+ Tuân thủ mọi quy định tại cộng đồng.

- Ai trong cộng đồng có thể giúp:

+ Giáo viên, nhân viên y tế, công an, nhân viên xã hội, lãnh đạo địa phương, Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên, cán bộ bảo vệ trẻ em… là những người có thể giúp đỡ và bảo vệ trẻ em khỏi xâm hại tình dục tại cộng đồng.

+ Sự phối hợp chính là mấu chốt của thành công trong công tác bảo vệ trẻ em. Chúng ta cần biết chắc chắn ai là người chuyên trách trong mạng lưới bảo vệ trẻ em tại địa phương, từ đó có thể hành động phù hợp và ngay lập tức khi trẻ em có nguy cơ bị xâm hại.

Lê Trung Hải