BẠO LỰC HỌC ĐƯỜNG VẤN NẠN NHỨC NHỐI TRONG NHÀ TRƯỜNG

phunu.khanhhoa.gov.vn ── [ In trang Thứ năm, 21/11/2024 ]

        Hiện nay, đất nước ta đang bước vào thời kỳ đổi mới với mục tiêu phấn đấu: Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh. Trên quan điểm đó, ngành giáo dục đang thực hiện chủ trương: “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”,  nhằm tạo môi trường giáo dục thân thiện, lành mạnh với phương châm: mỗi ngày đến trường là một niềm vui. Tuy vậy, mặt trái của nền kinh tế thị trường, sự bùng nổ của công nghệ thông tin, sự giao thoa của nhiều nền văn hoá khác nhau đã đặt nền giáo dục của chúng ta trước nhiều hệ luỵ, nhiều tệ nạn nhức nhối len lỏi vào nhà trường gây nhiều bất ổn  làm cho xã hội quan tâm lo lắng trong đó có nạn: Bạo lực học đường.

       1. Khái niệm về bạo lực học đường

Bạo lực học đường (BLHĐ) là hệ thống xâu chuỗi lời nói hành vi mang tính miệt thị đe doạ khủng bố người khác (Thường xảy ra giữa trò và trò, giữa Thầy và trò , và ngược lại….. trong nhà trường) để lại những thương tích trên cơ thể thậm chí gây tử vong. Nhưng đặc biệt là gây tổn thương về tư tưởng, tâm hồn tạo nên những cú sốc về tâm, sinh lý cho những đối tượng trực tiếp tham gia vào quá trình giáo dục.

BLHĐ là những hành vi thô bạo ngang ngược bất chấp công lý, pháp luật và đạo lý gây tổn thương về thân thể và tinh thần diễn ra trong phạm vi trường học.

       2. Thực trạng của hành vi BLHĐ hiện nay

      BLHĐ ở nước ta  hiện nay diễn ra tràn lan đáng báo động và vô cùng nhức nhối .     Nếu ai quan tâm đến vấn đề này, quý vị chỉ cần bấm vào Google thì trong khoảng 0,29 giây ta sẽ nhận được 14.600.000 kết quả, một con số kinh hoàng. Theo thống kê chưa đầy đủ của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đầu năm 2010 cả nước có 1.600 vụ học sinh đánh nhau, làm chết 7 em, nhiều học sinh phải mang thương tật suốt đời (Vì rất nhiều lý do khác nhau, kể cả những lý do rất đơn giản ). Các nhà trường đã xử lý kỷ luật  khiển trách 881 em, cảnh cáo 1.558 em, đuổi học 735 em. Trung bình trong cả nước 1 ngày xảy ra trên 5 vụ bạo lực học đường.

       Theo báo Nhân Dân, số thống kê của Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội số vụ bạo hành trong trường học năm 2012 tăng 13 lần so với 10 năm trước đây ( So với 7 lần trong cộng đồng ). Tính bình quân cứ 5.200 học sinh có 01 vụ đánh nhau, trong 11.000 học sinh  có 01 học sinh buộc phải thôi học vì đánh nhau. Năm 2018 cả nước có hơn 2.000 vụ đánh nhau (trong thực tế con số đó còn lớn hơn nhiều )

       Những con số trên đây đã nói lên 1 điều:  nạn BLHĐ đang trở nên phổ biến, đe doạ sự hình thành phát triển nhân cách của học sinh và sự bình yên cho nhà trường, gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội.

BAO LUC HOC DUONG.jpg (118 KB)

       3. Các loại hành vi BLHĐ

       3.1- Hành vi BLHĐ thụ động: Đó là hành vi của học sinh bị sai lệch do các em nhận thức chưa đầy đủ hoặc nhận thức sai chuẩn mực, nội quy, quy tắc của nhà trường hoặc do ban bè rủ rê lôi kéo .

       3.2 - Hành vi BLHĐ  chủ động: Là hành vi của học sinh mặc dù đã biết rõ những nguyên tắc chuẩn mực của nhà trường và xã hội nhưng vẫn cố ý làm khác, giải quyết các xích mích mâu thuẫn bằng bạo lực

       4. Nguyên nhân tâm lý – Xã hội đẫn đến hành vi BLHĐ

       4.1.  Do quan hệ  giữa cha mẹ và con cái trong gia đình

       Gia đình là nơi nuôi dưỡng tâm hồn, nhân cách học sinh. Trong gia đình có 3 kiểu quan hệ giữa cha mẹ và con cái: Quan hệ tin tưởng – bình đẳng; Quan hệ bàng quang – xa cách, Quan hệ nghiêm khắc – cứng nhắc. Trong 3 quan hệ này quan hệ kiểu (2) bàng quang xa cách  dẫn đến  tình trạng bạo lực nhiều vì cha mẹ  không có cơ hội chia sẻ tâm sự, uốn nắn các em, các em  thiếu sự quan tâm giáo dục, thương yêu đùm bọc (do cha mẹ lo làm ăn, cha mẹ hay gây lộn với nhau… ) vì thế các em đẽ nhập bạn với  các nhóm bạn xấu trong nhà trường dẫn đến tình trạng bạo lực.

       4.2.  Sự khát khao khẳng định cái  “Tôi ”

       Tâm lý muốn khẳng định cái Tôi mạnh mẽ, muốn thể hiện suy nghĩ, quan điểm và cách hành xử riêng của mình không phụ thuộc vào người lớn.

      Nếu cha mẹ đối xử kiểu bàng quan – xa cách hoặc nghiêm khắc cứng nhắc thì học sinh cảm thấy bị cô độc ngay trong ngôi nhà của mình. Ở trường có thể do kết quả  học tập không tốt, do cha mẹ trách mắng, Thầy cô phê bình... học sinh sẽ tiếp nhận chuẩn mực khác đi ngược với nội quy, quy tắc của xã hội. Thay vì khẳng định bản thân bằng kết quả học tập tốt, tu dưỡng phấn đấu tốt học sinh lại phản ứng bằng cách  lập các “Chiến tích” như: bắt nạt, đe doạ, trấn lột, đánh bạn vì thích làm đại ca.

       4.3. Tâm lý gặp khó khăn trong việc kết bạn vì: Lịch học tập, làm việc kín cả tuần , không có thời gian cho việc kết bạn, giao lưu, chia sẻ, đối với bạn bè trở thành người dửng dưng xa cách .

       Lớp trẻ ngày càng trở nên ích kỷ, ai cũng muốn trở thành người hàng đầu, kẻ chiến thắng, ít quan tâm đến kẻ yếu, người thất bại.

       4.4. Ảnh hưởng của văn hoá và các phương tiện truyền thông.

       Hiện nay, từ rất nhỏ trẻ em cũng chơi trò chơi bạo lực (Ở nhà trẻ, mẫu giáo nhiều trò chơi bạo lực (Kiếm, súng, siêu nhân …), lớn lên có xu hướng hành xử bạo lực.

       Học sinh đắm mình trong các nhân vật, các trò chơi Game online trực tuyến đầy tính bạo lực.

      Các bộ truyện tranh bạo lực, phim ảnh, truyền hình tràn lan... đã tác động đến nhận thức, tình cảm làm cho những nhân vật trong phim… mặc dù sai nhưng các em vẫn ngộ nhận là đúng và học theo, làm theo.

       5. Một số biện pháp hạn chế BLHĐ

      5.1. Biện pháp tận gốc là gia đình, nhà trường và xhội cần tuyên truyền giáo dục để các em phải tự nhận ra sai lầm và từ bỏ hành vi bạo lực một cách  tự nguyện .

      5.2. Về phía xã hội: các cơ quan chức năng cần có những biện pháp, các chế tài hạn chế sự ảnh hưởng của văn hoá độc hại ảnh hưởng đến nhân cách của học sinh. Thực hiện nghiêm túc Nghị định 80/2017/NĐCP (Nghị định của Chính phủ ) và Quyết định 5886 của Bộ Giaó dục và Đào tạo về phòng chống BLHĐ

       5.3.  Đối với nhà trường

       - Quan tâm tới học sinh cả trong và ngoài môi trường nhà trường.

      - Không cho phép thái độ định kiến thù địch và phân biệt đối xử diễn ra giữa học sinh và các nhóm học sinh trong lớp, phải thiết lập quy tắc này ngay từ khi bắt đầu vào học.

       - Luôn lắng nghe học sinh của mình xem điều gì đang diễn ra ở các em.

      - Sớm nhận biết những dấu hiệu bạo lực ở học sinh. Các dấu hiệu cho thấy bạo lực sắp xảy ra bao gồm: Học sinh giảm hứng thú học tập, thích chơi hoặc xem các trò game bạo lực; tâm trạng chán nản; nói về nỗi tuyệt vọng, thất vọng và cô lập với các học sinh khác, thiếu kỹ năng kiểm soát giận dữ, hoặc mang vũ khí vào lớp.

       - Tổ chức hội thảo, thảo luận về các biện pháp ngăn chặn bạo lực học đường.

       - Tổ chức các nhóm bạn phát hiện và khuyến khích những học sinh thông báo các biểu hiện và bạo lực cho Giáo viên.

       - Dạy học sinh  kỹ năng kiểm soát sự giận dữ và giải quyết xung đột.

       - Giữ mối liên hệ thường xuyên với cha mẹ học sinh và Công an địa phương nơi trường đứng chân để xử lý nhanh kịp thời các vụ việc xảy ra.

Công việc phòng chống BLHĐ phải được xem là công việc của toàn xã hội, là trách nhiệm của các cơ quan chức năng. Sự quan tâm đúng mức, sự kết hợp chặt chẽ các đoàn thể, các tổ chức liên quan sẽ tạo ra hiệu ứng tích cực góp phần để đẩy lùi căn bệnh này mang lại một môi trường lành mạnh thân thiện trong nhà trường và xã hội.

Nguyễn Mạnh Thân