Dinh dưỡng hôm nay sức khỏe ngày mai

phunu.khanhhoa.gov.vn ── [ In trang Thứ tư, 22/1/2025 ]
Ở bất kỳ độ tuổi nào, chúng ta cũng cần được chăm sóc và có chế độ dinh dưỡng cân đối, hợp lý để phát triển và duy trì sức khỏe tốt. Vậy chăm sóc dinh dưỡng sớm cho trẻ vị thành niên, trẻ thành niên, phụ nữ trước sinh, để khởi đầu cho một thế hệ trẻ em có một thể lực, tầm vóc, trí tuệ và chất lượng cuộc sống trong tương lai.

 

Theo kết quả của nhiều nghiên cứu cho thấy những nữ vị thành niên bị suy dinh dưỡng (nhẹ cân và thấp còi) sẽ có nguy cơ phát triển thành những phụ nữ thấp bé nhẹ cân và hậu quả là khi mang thai sẽ sinh ra những trẻ bị suy dinh dưỡng (SDD) bào thai có cân nặng sơ sinh thấp; những trẻ có cân nặng sơ sinh thấp (dưới 2500g) lại có nguy cơ bị SDD cao hơn và trở thành vòng xoắn luẩn quẩn của SDD.

Vì vậy, chế độ dinh dưỡng hợp lý, dinh dưỡng theo nhu cầu và lối sống lành mạnh cần phải thực hiện sớm khi trẻ ở giai đoạn vị thành niên và thành niên, phụ nữ trước sinh, để có một vòng đời mới “thế hệ trẻ mới sinh ra” thoát khỏi vòng xoắn của SDD một cách bền vững.

HINH DINH DUONG.jpg (138 KB)

Trong những năm gần đây, các nhà dinh dưỡng đã quan tâm đến chăm sóc dinh dưỡng cho tuổi vị thành niên và thành niên để giúp cho cơ thể người mẹ được hoàn thiện và phát triển tốt trước khi kết hôn và làm mẹ và trong thời kỳ mang thai đó gọi là “Dinh dưỡng sớm”. 

Can thiệp dinh dưỡng trong giai đoạn trẻ tuổi vị thành niên và thành niên hết sức quan trọng, vì giai đoạn này trẻ phát triển với tốc độ rất nhanh cả về chiều cao và cân nặng, các biến đổi về tâm, sinh lý, nội tiết, sinh dục...

Cân nặng trung bình tăng từ 3-5 kg/năm, chiều cao tăng từ 4-7 cm/năm với trẻ vị thành niên, trẻ em trai phát triển nhiều hơn trẻ gái. Vì vậy, chế độ dinh dưỡng của trẻ vị thành niên đòi hỏi nhu cầu rất cao để đáp ứng cho tốc độ phát triển cũng như hoạt động.

Để đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng theo khuyến nghị cho lứa tuổi này, trước hết là nhu cầu về năng lượng cần đạt từ 2100-2200kcalo/ngày/nữ và 2100-2900Kcalo/ngày/nam tùy theo từng độ tuổi mà nhu cầu khác nhau.

Khi nói đến dinh dưỡng sớm chúng ta thấy tầm quan trọng của chăm sóc tuổi vị thành niên và thành niên, để lứa tuổi này có nhận thức đầy đủ hơn về nhu cầu dinh dưỡng và phòng các bệnh mãn tính đặc biệt là béo phì, đái tháo đường và các bệnh tim mạch sau này.

          1. Nhu cầu về chất đạm: chất đạm (protein) đóng vai trò quan trọng tham gia vào thành phần cấu tạo nên tế bào, là thành phần quan trọng của các hormone, các enzyme, tham gia vào sản xuất kháng thể. Protein cũng tham gia vào hoạt động chuyển hóa, duy trì cân bằng dịch thể.

Nhu cầu protein thay đổi tùy thuộc vào lứa tuổi, trọng lượng, giới tính của trẻ. Theo nhu cầu khuyến nghị, hàng ngày chất đạm là 70gram/1 người nam và 60gram/1 người nữ, tỷ lệ đạm động vật chiếm từ 35-40%, năng lượng từ chất đạm chiếm 18% năng lượng của khẩu phần.

Nguồn đạm động vật cung cấp cho bữa ăn từ: thịt, cá, trứng, sưa, tôm, cua... nguồn đạm thực vật từ đậu đỗ, vừng, lạc...

          2. Chất béo hay còn gọi là lipid trong cơ thể đóng vai trò quan trọng trong cấu trúc màng tế bào và dự trữ trong các mô như nguồn dự trữ năng lượng của cơ thể.

Theo nhu cầu khuyến nghị, đối với trẻ vị thành niên năng lượng do lipid cung cấp cần đạt 20% tổng nhu cầu năng lượng trong khẩu phần. Nhu cầu chất béo hàng ngày từ 40-50 gam, nguồn chất béo từ nguồn gốc động vật và thực vật với tỷ lệ cân đối là 70% và 30%.

Chất béo là nguồn cung cấp năng lượng, giúp hòa tan và hấp thu các loại vitamin tan trong dầu: vitamin A, E, D, K. Nguồn cung cấp lipid là mỡ, dầu và các loại hạt như lạc, vừng, hạt điều…

          3.Glucid (chất đường bột) cung cấp năng lượng cho cơ thể. Ngoài vai trò sinh năng lượng, glucid có vai trò tạo hình, nguồn cung cấp glucid chủ yếu cho khẩu phần là từ gạo, bún, miến, khoai, củ… Với trẻ vị thành niên, năng lượng do glucid cung cấp cần đạt 62% nhu cầu năng lượng của cơ thể.

          4. Nhu cầu về vitamin và khoáng chất: Rau quả là nguồn cung cấp vitamin, muối khoáng và chất xơ cho cơ thể. Theo nhu cầu khuyến nghị cho người trưởng thành, thì nhu cầu về rau xanh là 400gram/người/ngày và quả chín là 100-200gram/người/ngày.

Khoáng chất không thể thiếu với trẻ vị thành niên là sắt: Sắt là thành phần của huyết sắc tố, tham gia vào quá trình vận chuyển oxy và là thành phần quan trọng của hemoglobin. Trẻ trai vị thành niên nhu cầu sắt 12-18 mg/ngày, trẻ nữ cần 20 mg/ngày. Thức ăn giàu sắt có nguồn gốc động vật như: thịt bò, tiết bò, trứng gà, trứng vịt, tim lợn, gan gà, …

Thực hiện chế độ dinh dưỡng sớm cho lứa tuổi vị thành niên là yếu tố quyết định để trẻ phát triển mức tối ưu khi trưởng thành cả về chiều cao, cân nặng, sức khỏe, trí tuệ. Khi trưởng thành có sức khỏe, có tầm vóc cao lớn, không bị suy dinh dưỡng và bệnh tật là điều kiện kiên quyết để trở thành các ông bố/bà mẹ sinh ra những đứa trẻ khoẻ mạnh trong tương lai.

Vị thành niên, thành niên có sức khoẻ tốt là nguồn nhân lực tốt, có chất lượng cao trong lao động, sản xuất sẽ tạo ra của cải, vật chất hữu ích cho gia đình và xã hội, giúp cải thiện thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Để trở thành những người có ích cho xã hội, tức là phát triển đầy đủ cả về thể chất lẫn tinh thần và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội hiện đại, thì việc nâng cao thể lực, trí lực và sức khỏe cho mọi người ngay hôm nay và những thế hệ mai sau là một việc rất quan trọng.

Chăm sóc “Dinh dưỡng sớm” là đầu tư cho phát triển của thế hệ mai sau cả về thể lực và trí tuệ, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, cải thiện tầm vóc người Việt Nam.

Lê Trung Hải