Hội Liên hiệp Phụ nữ Khánh Hòa: Thực trạng và giải pháp phòng ngừa bạo lực gia đình

phunu.khanhhoa.gov.vn ── [ In trang Chủ nhật, 22/12/2024 ]

Trong tiến trình phát triển của lịch sử nhân loại, gia đình luôn có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng. Từ gia đình, con người được sinh ra, hình thành nhân cách, được rèn luyện, phát triển theo hướng chân - thiện - mỹ, từ đó hình thành văn hóa gia đình. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến vai trò của gia đình. Người khẳng định: “Quan tâm đến gia đình là đúng vì nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt hơn, hạt nhân của xã hội là gia đình. Chính vì vậy, muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội là phải chú ý hạt nhân cho tốt”

Nhận thức gia đình có vị trí, vai trò hết sức quan trọng đối với quá trình phát triển của đất nước, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm công tác chăm lo xây dựng gia đình bằng nhiều chủ trương, chính sách cụ thể. Tuy nhiên, cùng với sự hội nhập quốc tế sâu rộng đã và đang tạo ra những biến đổi nhất định trong các gia đình Việt Nam. Lối sống công nghiệp với các điều kiện về thu nhập, chi tiêu, nhà cửa, ý thức về tự do cá nhân khiến mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình không thật sự gắn kết như trước. Cách sống, lối sống thực dụng, đề cao giá trị vật chất, lợi ích cá nhân đã tác động tiêu cực tới các giá trị truyền thống trong gia đình Việt Nam như lòng nhân ái, vị tha, đồng cảm, sẻ chia, quan tâm lẫn nhau... Nhiều tệ nạn xã hội đã và đang xâm nhập vào các gia đình. Đặc biệt, vấn đề bạo lực gia đình, xâm hại tình dục đang gây nhức nhối cho toàn xã hội, là rào cản, ảnh hưởng rất lớn trong xây dựng gia đình.

VẤN ĐỀ BẠO LỰC GIA ĐÌNH

Bạo lực gia đình không chỉ có ảnh hưởng rất tiêu cực đối với việc xây dựng gia đình văn hóa, hạnh phúc, tiến bộ mà còn gây hậu quả nặng nề với từng cá nhân thành viên trong gia đình, người bị bạo lực lẫn người gây ra bạo lực. Điều này càng đặc biệt nghiêm trọng đối với việc hình thành nhân cách của trẻ em, là thế hệ tương lai của đất nước. Tại Khánh Hòa, theo số liệu thống kê, năm 2016: xảy ra 135 vụ, năm 2017: 126 vụ, năm 2018: 92 vụ; năm 2019 xảy ra 50 vụ*. Tuy có giảm về số vụ nhưng vấn nạn bạo lực gia đình đang ngày càng diễn biến phức tạp và trở nên nghiêm trọng, bởi bạo lực gia đình không chỉ ở số lượng mà còn ở tính chất các vụ việc xảy ra.

CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

Trước tình hình đó, công tác phòng, chống bạo lực gia đình không chỉ là vấn đề cấp thiết mà còn là nhiệm vụ của tất cả các cấp, các ngành, trong đó có vai trò rất lớn của tổ chức Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN).

Nhận thức rõ điều đó, trên cơ sở các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương Hội LHPN Việt Nam, của Ủy ban Nhân dân (UBND) tỉnh Khánh Hòa, Hội LHPN tỉnh đã xây dựng kế hoạch, cụ thể hóa trách nhiệm theo quy định tại Điều 34 Luật phòng, chống bạo lực gia đình để chỉ đạo các cấp Hội toàn tỉnh triển khai, thực hiện.

Các cấp Hội đã quan tâm, thường xuyên tổ chức các hoạt động tuyên truyền thông qua nhiều hình thức đa dạng, phong phú  như: tập huấn, hội thảo, tọa đàm, giao lưu, hội thi tìm hiểu pháp luật, nói chuyện chuyên đề, sinh hoạt chi/tổ, nhóm phụ nữ…, qua đó từng bước nâng cao nhận thức của cán bộ, hội viên phụ nữ về phòng, chống bạo lực gia đình.  Hội LHPN các cấp trong tỉnh đã tổ chức hơn được trên 150 lớp tập huấn, 284 buổi tuyên truyền, truyền thông về Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới, cung cấp kiến thức, kỹ năng tư vấn, hỗ trợ cho nạn nhân bị bạo lực gia đình, xâm hại tình dục trẻ em; Kỹ năng kiểm soát cảm xúc khi giao tiếp, ứng xử trong công việc và gia đình; Kỹ năng ứng xử trong gia đình và các văn bản pháp luật liên quan, thu hút 231.612 lượt hội viên, phụ nữ tham gia. Riêng Hội LHPN tỉnh, trong những năm qua triển khai thực hiện Luật Phòng chống bạo lực gia đình đã phối hợp với Sở Tư pháp, Ban Dân tộc, Công an, Chi cục phòng chống tệ nạn xã hội  Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Đoàn Thanh niên, Liên đoàn Lao động tỉnh… mở 60 lớp tập huấn, tuyên truyền về Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, phòng chống tội phạm, ma túy, mại dâm…  cho 5.040 lượt cán bộ Hội chủ chốt, báo cáo viên, tuyên truyền viên, công chức, viên chức, người lao động; Phối hợp với Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh tuyên truyền, phổ biến một số điểm mới của Luật Hôn nhân và Gia đình đến hơn 300 cán bộ Hội, cán bộ nữ lãnh đạo, đoàn viên, công chức và người lao động; phối hợp với Đoàn Luật sư tỉnh tổ chức hơn 30 buổi tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý cho gần 2.000 hội viên, phụ nữ, nhất là hội viên, phụ nữ vùng nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số về Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Hòa giải ở cơ sở; thực hiện Đề tài “Một số giải pháp nâng cao nhận thức pháp luật cho phụ nữ”. Hàng năm, nhân kỷ niệm Ngày Gia đình Việt Nam (28/6), Ngày Quốc tế hạnh phúc (20/3), Ngày Thế giới xóa bỏ bạo lực với phụ nữ, trẻ em (25/11), Hội LHPN các cấp tổ chức nhiều hoạt động sôi nổi, có ý nghĩa thiết thực như: giao lưu “Nam giới trổ tài nội trợ”, “Nam công gia chánh”, hội thi “Tìm hiểu kiến thức về phòng, chống bạo lực gia đình”, thi tìm hiểu “Luật Hôn nhân và Gia đình”, tọa đàm “Chia sẻ công việc gia đình”, “Ứng xử trong gia đình”, “Bữa cơm gia đình ấm áp, yêu thương”...,thu hút đông đảo hội viên, phụ nữ tham gia.

Bên cạnh đó, Hội LHPN các cấp trong tỉnh đã phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình Khánh Hòa, Báo Khánh Hòa, Cổng thông tin điện tử Khánh Hòa, cổng thông tin điện tử các huyện, thị, thành phố đăng tải, phát sóng tin, bài, phóng sự về gương điển hình phụ nữ trong lao động, sản xuất, xây dựng gia đình hạnh phúc, tấm gương vượt khó vươn lên trong cuộc sống; các cấpTuyên truyền trên Trang Thông tin điện tử của Hội

Năm 2019, thực hiện chủ đề năm “An toàn cho phụ nữ và trẻ em” do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động, Hội LHPN tỉnh đã chỉ đạo các cấp Hội thực hiện tuyên truyền, tổ chức các hoạt động nhằm đảm bảo an toàn cho phụ nữ và trẻ em trong gia đình, cộng đồng và xã hội; tập trung tuyên truyền phòng chống xâm hại phụ nữ và trẻ em, phòng chống bạo lực học đường; tuyên truyền phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống… Các cấp Hội đã xây dựng kế hoạch triển khai và tổ chức lễ phát động hưởng ứng chủ đề năm, phát động thực hiện “Heo đất tiết kiệm vì phụ nữ và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn”, “Phụ nữ Diên Khánh đồng hành cùng Phụ nữ và trẻ em yếu thế”, “Phụ nữ Khánh Vĩnh nói không với tảo hôn”… Hưởng ứng Tháng hành động vì trẻ em với chủ đề “Chung tay vì trẻ em nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số”, các cấp Hội phối hợp các ngành hưởng ứng Lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em, mở 23 lớp truyền thông cho 1.953 cán bộ, hội viên, phụ nữ về kiến thức kỹ năng nuôi con bằng sữa mẹ, chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ em dưới 5 tuổi, chống tảo hôn, kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ bản thân, phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em, các quy trình hỗ trợ, can thiệp đối với trẻ em bị bạo lực, xâm hại và trẻ em có nguy cơ bị xâm hại, đặc biệt xâm hại tình dục; phòng chống tai nạn thương tích trẻ em đặc biệt là tai nạn đuối nước.

Thực hiện Đề án “Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ” giai đoạn 2017 – 2027 (gọi tắt là Đề án 938), Hội LHPN tỉnh đã tổ chức 1 lớp tập huấn báo cáo viên Đề án 938 cho 50 báo cáo viên là thành viên của Ban Điều hành và Tổ giúp việc Đề án;  các cấp Hội tổ chức 182 lớp tuyên truyền, cung cấp kiến thức, kỹ năng phòng tránh xâm hại, kỹ năng tự bảo vệ, kỹ năng xử lý tình huống đối với phụ nữ, trẻ em; kỹ năng chăm sóc, hỗ trợ đối với những trường hợp bị bạo lực xâm hại; Thành lập 01 Góc tư vấn hỗ trợ xây dựng hạnh phúc, phát triển bền vững cấp tỉnh; Duy trì 13 câu lạc bộ “Phụ nữ với pháp luật”, “Phụ nữ với an toàn thực phẩm”, “Giáo dục cha mẹ nuôi dạy con tốt”, “Can thiệp, hỗ trợ phụ nữ, trẻ em bạo lực, xâm hại”.

image002.jpg (42 KB)

Hội LHPN tỉnh ra mắt Góc tư vấn hỗ trợ xây dựng gia đình hạnh phúc, phát triển bền vững

Tham gia Lễ phát động thực hiện Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới do UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh hưởng ứng, phát động các cấp Hội Phụ nữ trong toàn tỉnh thực hiện các hoạt động tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, hoạt động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới trong các cấp Hội gắn với chủ đề năm của Hội “An toàn cho phụ nữ và trẻ em”; lồng ghép đưa nội dung bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới vào phong trào thi đua và các cuộc vận động; nâng cao hiệu quả các mô hình, tổ, nhóm, CLB; thực hiện có hiệu quả công tác giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật liên quan đến phụ nữ, trẻ em và bình đẳng giới tại địa phương; phát huy vai trò thành viên trong các hội đồng tại địa phường để bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho phụ nữ, trẻ em; lên tiếng và can thiệp kịp thời các vụ việc bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em khi xảy ra… Hội LHPN tỉnh Khánh Hòa tổ chức Hội nghị tập huấn kỹ năng xây dựng gia đình hạnh phúc cho 400 cán bộ, hội viên phụ nữ lực lượng vũ trang đóng chân trên địa bàn thành phố Nha Trang; cán bộ, hội viên phụ nữ, công nhân, người lao động thuộc Công ty TNHH MTV Yến sào Khánh Hòa nhằm nâng cao nhận thức về xây dựng, giữ gìn hạnh phúc bền vững của mỗi gia đình hướng tới sự ổn định, văn minh cho toàn xã hội.

          Thông qua các hoạt động tuyên truyền kiến thức pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình, nhận thức của cán bộ, hội viên phụ nữ về bạo lực gia đình đã nâng lên rõ rệt. Từ chuyển biến về nhận thức, cán bộ, hội viên phụ nữ tỉnh có đã có những chuyển biến trong việc quan tâm tổ chức các hoạt động phòng, ngừa bạo lực gia đình, hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình hạnh phúc, can thiệp, giúp đỡ nạn nhân bị bạo lực gia đình...

          Cùng với công tác tuyên truyền, xây dựng, tổ chức hoạt động của các mô hình, Hội LHPN tỉnh còn hướng đến mục tiêu hỗ trợ phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, phụ nữ yếu thế, nạn nhân bạo lực gia đình có điều kiện phát triển kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc, phòng ngừa bạo lực gia đình.

          Các cấp Hội trong tỉnh đã thực hiện tốt công tác phối hợp tư vấn, hướng nghiệp, đào tạo nghề cho 19.632 lao động nữ, 14.041 chị được giới thiệu và tạo việc làm; 21.277 lao động nữ được giới thiệu, hướng dẫn phương thức làm ăn, phát triển kinh tế gia đình. Các cấp Hội đẩy mạnh mô hình trao phương tiện sinh kế cho gần 2.000 hội viên nghèo có hoàn cảnh khó khăn được nhận phương tiện sinh kế. Hoạt động này giúp các chị có thêm thu nhập, trang trải và ổn định cuộc sống. Hội LHPN các cấp tín chấp với ngân hàng Chính sách xã hội trên 1.336 tỷ đồng cho 58.732 hộ phụ nữ vay; dư nợ với ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 113,743 tỷ đồng cho 1.937 hộ phụ nữ vay. Ngoài ra, Hội LHPN các cấp còn quản lý gần 900 tỷ đồng từ các nguồn vốn khác  (vốn Quay vòng giảm nghèo, Nhịp cầu thân hữu, Ngày Tiết kiệm vì phụ nữ nghèo, Quỹ tín dụng nhân dân…) cho 17.073 lượt hộ phụ nữ vay. Từ các nguồn vốn vay, hội viên, phụ nữ có thêm điều kiện để phát triển sản xuất, tăng thêm thu nhập, vươn lên thoát nghèo và ổn định cuộc sống.

          Mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định trong công tác phòng chống bạo lực gia đình, tuy nhiên Hội LHPN tỉnh cũng nhận định, vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập và các vấn đề đặt ra đối với công tác phòng, chống bạo lực gia đình và quy định của pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình: Công tác phát hiện, xử lý, giải quyết vụ việc bạo lực gia đình trên thực tế vẫn gặp nhiều khó khăn: chưa nắm bắt kịp thời các vụ việc bạo lực gia đình xảy ra; nạn nhân bị BLGĐ còn tâm lý mặc cảm, e ngại không dám lên tiếng, gia đình cố tình che dấu, không báo với cơ quan chức năng... ; Vẫn còn tồn tại định kiến giới trong xã hội; Một bộ phận người dân chưa ý thức được bạo lực gia đình là vi phạm pháp luật, cho rằng đây là chuyện riêng của gia đình nên tình trạng bạo hành gia đình vẫn còn xảy ra; Việc xử lý các trường hợp bạo lực chưa mang tính chất răn đe

PHƯƠNG HƯỚNG TRONG THỜI GIAN TỚI

          Những khó khăn nêu trên đòi hỏi trong thời gian tới, các cấp, các ngành cần có sự phối hợp triển khai thực hiện, giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, ngừa bạo lực gia đình. Để phát huy vai trò các cấp Hội trong công tác phòng, ngừa bạo lực gia đình, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh, Hội LHPN tiếp tục triển khai thực hiện một số nội dung:

          Tiếp tục đổi mới nội dung truyền thông giáo dục về gia đình, nâng cao hiểu biết về Luật Hôn nhân và Gia đình; Luật phòng, chống bạo lực gia đình; Luật Bình đẳng giới, cùng các kiến thức, kỹ năng về cuộc sống gia đình; thường xuyên, giáo dục những giá trị truyền thống của gia đình Việt Nam, nêu gương người tốt, việc tốt, các mô hình hỗ trợ gia đình có hiệu quả; phê phán những biểu hiện không đúng, không lành mạnh trong cuộc sống gia đình.

          Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống gia đình và tạo điều kiện để người vợ cùng san sẻ trách nhiệm kinh tế gia đình cùng với chổng.

          Giới thiệu, biểu dương kịp thời những gương điển hình tiên tiến, biểu dương các gia đình văn hóa tiêu biểu; gương người tốt, việc tốt trong tổ chức cuộc sống gia đình, xây dựng gia đình hạnh phúc, nuôi dạy con tốt, đồng thời lên án những hành vi bạo lực gia đình, phản ảnh những tệ nạn đang xâm nhập và đe dọa sự phát triển bền vững của gia đình.

          Tổ chức các hoạt động Giao lưu, tôn vinh các gia đình trong việc xây dựng gia đình hạnh phúc, hòa thuận, nuôi dạy con tốt, thành đạt… nhân Ngày Gia đình Việt Nam, Ngày Quốc tế hạnh phúc…

           Tổ chức triển khai thực hiện có hiệu qủa phong trào thi đua
“Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, 2 cuộc vận động “Rèn luyện phẩm chất đạo đức: Tự tin, Tự trọng, Trung hậu, Đảm đang”, “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”; Tiếp tục thực hiện Đề án “Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2017 – 2027” gắn với chương trình phòng, chống tội phạm, ma túy, phòng ngừa bạo lực gia đình; tiếp tục thực hiện Nghị quyết liên tịch số 01 về “Giáo dục con em trong gia đình không vi phạm pháp luật và mắc vào tệ nạn xã hội” hướng tới mục tiêu xây dựng gia đình “No ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh”.

          Nắm bắt và can thiệp kịp thời những vụ việc bạo lực gia đình để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho phụ nữ thông qua việc phát huy vai trò thành viên trong các Hội đồng tại địa phương, Hội thẩm nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện lên tiếng kịp thời, hỗ trợ, bảo vệ các nạn nhân bị bạo lực gia đình.    

                                                                                                                                                                                 HD