Dinh dưỡng hợp lý trong dịp Lễ, Tết để có sức khỏe tốt

phunu.khanhhoa.gov.vn ── [ In trang Thứ tư, 04/12/2024 ]
Trong dịp nghỉ lễ tết, dinh dưỡng không hợp lý làm nhiều người gặp phải khó khăn về vấn đề sức khỏe. Sử dụng không đúng cách, mất cân đối các nhóm  thực phẩm khiến một số người mắc bệnh mạn tính không lây như bệnh gút, huyết áp, tiểu đường, tim mạch… lại phát bệnh nặng hơn.

Lễ tết là cơ hội để người thân gặp gỡ. Vào những ngày này, người dân thường có xu hướng ăn nhiều loại thực phẩm có lượng calo cao như bánh trứng, đồ ngọt, ăn ít rau xanh quả chín, sử dụng nhiều rượu bia… dễ dẫn tới tình trạng thừa cân béo phì, tạo gánh nặng cho đường tiêu hóa, gây bệnh.

Những bữa ăn quá nhiều chất dinh dưỡng, không theo giờ giấc sẽ làm hệ tiêu hóa bị xáo trộn, có thể gây ra tình trạng đầy hơi, trướng bụng, có cảm giác ậm ạch, ợ hơi, ợ chua, nhẹ sẽ gây rối loạn tiêu hóa, nặng hơn thì gây ra các bệnh lý dạ dày, gan, mật, tụy... Vào dịp tết, người dân sử dụng rượu bia tăng lên, điều này  làm tăng  gánh nặng cho gan, đối với  người bị bệnh gan mãn tính có thể gây ra đợt viêm gan cấp.

Người già có hệ tiêu hóa suy giảm hay người mắc bệnh mãn tính như tăng huyết áp, chỉ cần một chút rượu cũng có thể dẫn tới các cơn tăng huyết áp, người mắc bệnh đái tháo đường nếu ăn hơi quá nhiều kẹo mứt làm đường huyết tăng vọt…

Chế độ ăn uống không hợp lý không theo giờ giấc nhất định còn làm cho bài tiết của men tiêu hóa bị thay đổi. Dấu hiệu đầy hơi, trướng bụng nếu kéo dài, hoặc lặp đi lặp lại tất sẽ trở thành bệnh lý như loét đường tiêu hóa, gan, tụy.  Nguy hiểm nhất trong rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy gây tình trạng mất nước và điện giải làm sức khỏe suy kiệt rất nhanh.

Các đối tượng cần bảo vệ sức khỏe, chú trọng cân đối dinh dưỡng trong dịp nghỉ lễ cuối năm như người bị đái tháo đường, tim mạch, tăng huyết áp, suy tim, rối loạn mỡ máu, người mắc bệnh gan.

Dinh dưỡng, ăn uống hợp lý là quan trọng nhất, phải đáp ứng nhu cầu về nặng lượng 4 nhóm chất: chất bột, đạm, đường, béo, vitamin khoáng chất và uống đủ nước. Tùy theo cân nặng của từng người, tùy theo lứa tuổi, tình trạng sinh lý và sức khỏe của trẻ em, người già, người mắc bệnh mạn tính khác nhau, cần tuân thủ chế độ ăn khác nhau, phù hợp với thể trạng và sức khỏe của mỗi người.

Ăn uống cân bằng, hợp lý - cách tốt nhất để duy trì sức khỏe trong dịp nghỉ lễ. Vào dịp Tết, người dân thường ăn thừa thịt mà thiếu rau xanh, hoa quả, nên bữa ăn ngày tết cũng như ngày thường phải cân đối và hợp lý, cần tránh xa rượu bia nhất là những người mắc bệnh mãn tính.

Mỗi bữa ăn chỉ nên ăn khoảng 70 - 80% lượng thức ăn so với bình thường, chia làm nhiều bữa, tối đa 4 - 5 bữa ăn mỗi ngày, không nên ăn quá no, uống quá say và phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Bánh chưng, bánh tét, hầu như có đủ các chất dinh dưỡng bao gồm: đạm, tinh bột và mỡ, chỉ thiếu thành phần xơ. Trung bình 100g tương đương 250kcal, nhiều chất béo, các chất béo này có nguồn gốc từ mỡ động vật nên ít có lợi cho sức khỏe. Bánh chưng thường được ăn kèm với dưa món, củ kiệu. Các món dưa này vừa chính là thành phần chất xơ vừa giúp cho người ăn ngon miệng.

Tuy nhiên, những thức ăn này nếu ăn thường xuyên sẽ không tốt cho bệnh nhân (BN) có bệnh lý tim mạch và đái tháo đường (ĐTĐ), vì có nhiều chất béo động vật không có lợi cho sức khỏe. Ngoài ra, dưa món, củ kiệu còn có chứa hàm lượng muối cao không thích hợp cho BN tăng huyết áp.

Đối với BN ĐTĐ, nếu dùng bánh chưng không nên dùng quá 200g/ngày và phải tiết giảm lượng thức ăn trong ngày.

Còn đối với BN tăng huyết áp, nên ăn dưa món, củ kiệu ngâm bằng giấm đường để giảm hàm lượng muối.

Các món thịt nguội, giò chả: Nhóm thực phẩm này chủ yếu cung cấp chất đạm và béo nhưng lại chứa nhiều acid béo no bão hòa nên không tốt cho sức khỏe. Ngoài ra, thực phẩm này có chứa hàn the để tạo độ giòn nên rất có hại. Đối với BN ĐTĐ, tăng huyết áp nên sử dụng hạn chế, không quá 100g thức ăn này mỗi ngày.

Thịt kho trứng là món ăn hầu như không thiếu trong ngày Tết. Tuy nhiên, vì thịt mỡ chứa nhiều mỡ động vật không tốt nên đối với BN ĐTĐ, tăng huyết áp hay bệnh lý gan mật, khi ăn nên bỏ phần mỡ và da. Ngoài ra, một lòng đỏ trứng có chứa khoảng 200mg cholesterol, nếu ăn quá lượng trên mỗi ngày sẽ có hại cho tim mạch vì gây ra xơ vữa động mạch. Vì vậy, lượng đạm ăn vào mỗi ngày nên khoảng 400g từ thịt, cá hoặc đậu hũ.

Các loại bánh mứt có chứa hàm lượng đường cao chủ yếu là nhóm đường đơn, chỉ số đường rất cao, rất ít chất xơ, dễ làm tăng đường huyết nên không thích hợp cho BN ĐTĐ. Đối với BN ĐTĐ mà đường huyết kiểm soát tốt có thể dùng vài miếng. Ngược lại, nhóm BN đường huyết kiểm soát kém thì không nên sử dụng.

Trái cây: đây là nguồn vitamin chính, chứa nhiều chất xơ, là thực phẩm giúp cân đối khẩu phần thức ăn giàu đạm, béo trong những ngày đầu xuân. Đối vời người bình thường có thể dùng 2 - 3 suất trái cây trong ngày (mỗi suất tương đương 1 quả táo, hoặc 3 múi bưởi, hoặc 2 trái mận, hoặc 1 quả cam vừa, hoặc 1 góc dưa hấu…). Đối với BN ĐTĐ không nên dùng quá 2 suất trái cây/ngày, các loại trái cây quá ngọt, hàm lượng đường cao không nên dùng quá 3 lần/tuần.

Nước uống trong những ngày tết, đa số là nước ngọt và rượu, bia. Đối với người bình thường thì mỗi ngày khoảng 300-400ml bia hoặc 60ml rượu nhẹ (rượu vang) là tốt cho sức khỏe. Đối với BN ĐTĐ, cũng có thể dùng nước ngọt ăn kiêng nhưng nên hạn chế không nên dùng quá 1 lon/ngày. Ngoài ra, cũng có thể dùng vài tách trà, ly rượu thơm là rất tốt.

Khi đã ở vào độ tuổi trên 65, cơ thể con người có nhiều chức năng bị suy giảm như hô hấp, tuần hoàn, tiêu hóa, tiết niệu... So với độ tuổi 20-30, các chức năng sinh lý của con người ta ở độ tuổi 65-70 chỉ còn khoảng 60%. Vì thế, việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe ở độ tuổi này bao gồm việc bồi bổ cơ thể và tránh các việc làm bất lợi.

Sau đây là những điều mà người cao tuổi nên tránh:

        - Ăn quá no: Hệ tiêu hóa do không còn sức hoạt động mạnh như thời trẻ nên nhu động ruột giảm, khả năng hấp thu thức ăn, đào thải chất độc cũng giảm. Vì vậy, nếu ăn no quá, người cao tuổi sẽ bị đầy chướng.

        - Uống rượu bia quá say: Khi tuổi cao, hệ tuần hoàn giảm chức năng hoạt động, khả năng đàn hồi của mạch, sức bền thành mạch kém, chức năng bài tiết cũng không còn tốt. Vì vậy, thời gian phân hủy kéo rượu dài, dẫn tới nguy cơ ngộ độc rượu cao lên.

         - Uống đồ uống quá lạnh: Các loại đồ uống này sẽ làm thay đổi môi trường vùng họng và thực quản, rất dễ làm vi khuẩn phát triển, gây bệnh viêm họng và gây co thắt thực quản đột ngột.

        - Ăn những thức ăn quá cứng.

        - Người cao tuổi cần đặc biệt quan tâm tới các biểu hiện bất thường về tim mạch, huyết áp, bệnh tiểu đường.

Dinh dưỡng hợp lý thì chất lượng bữa ăn và số lượng bữa ăn đều quan trọng như nhau. Để có một sức khỏe tốt, nên ăn đủ 3 bữa  sáng, trưa và tối… , tuy nhiên cần đảm bảo chất lượng mỗi bữa ăn.

Lê Trung Hải