Việt Nam đạt nhiều thành tựu về bình đẳng giới

phunu.khanhhoa.gov.vn ── [ In trang Thứ năm, 28/3/2024 ]

     Qua Báo cáo Quốc gia rà soát và kiểm điểm 25 năm thực hiện Tuyên bố và Cương lĩnh Hành động Bắc Kinh, Việt Nam đã đạt được thành tựu về nâng cao quyền năng của phụ nữ. Hiện có 1 nữ Chủ tịch Quốc hội, 1 nữ Phó Chủ tịch nước, 14/30 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có nữ lãnh đạo chủ chốt… Tỷ lệ nữ làm chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh đạt 26,54%.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân (thứ 4 trái ảnh sang) cùng các nữ Đại biểu Quốc hội khóa XIV

Thúc đẩy phụ nữ tham gia chính trường

     Việt Nam nỗ lực hoàn thiện khung pháp luật về bình đẳng giới (BĐG), xây dựng và ban hành các văn bản pháp luật thể hiện các nguyên tắc về bình đẳng giới, đảm bảo quyền con người, không phân biệt đối xử và phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ. Đến nay, đã có 40/111 Luật, Pháp lệnh có liên quan đến vấn đề bình đẳng giới được các cơ quan chủ trì soạn thảo nghiêm túc tiến hành lồng ghép giới theo quy định.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu nữ Quốc hội khoá XIV

      Thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí lãnh đạo, quản lý và đảm bảo nguyên tắc bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị ở tất cả các cấp vẫn là một nội dung trọng tâm từ việc hoàn thiện văn bản pháp luật và chính sách đến việc chỉ đạo sát sao của lãnh đạo trung ương và địa phương trong tổ chức thực hiện. Lần đầu tiên, Việt Nam có nữ Chủ tịch Quốc hội. Tỷ lệ nữ tham gia Bộ Chính trị tăng từ 12% (năm 2012) lên hơn 17% (năm 2016). Tỷ lệ nữ trong Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII là 20/200 uỷ viên, đạt 10% (tăng 1% so với khóa XI). Tính đến tháng 6/2019, Việt Nam có 1 nữ Phó Chủ tịch nước; 1/22 nữ Bộ trưởng; 14/30 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có nữ lãnh đạo chủ chốt. Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ 2016-2021 là 27,06%, tăng 2,54% so với nhiệm kỳ 2011-2016; cao hơn mức trung bình của toàn cầu (23,4%) và của châu Á (18,6%).

Khẳng định vai trò của nữ giới trong phát triển kinh tế

      Việt Nam xác định phụ nữ tham gia trong hoạt động kinh tế, lao động, việc làm sẽ làm tăng vị thế, sức đóng góp vào nền kinh tế và các giá trị xã hội cho đất nước. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của lao động nữ Việt Nam là 71,2%, cao hơn đáng kể so với tỷ lệ tương ứng của khu vực Đông Á - Thái Bình Dương là 61,1% và thế giới là 49,6%.

       Trong những năm qua, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nữ, đặc biệt ở khu vực nông thôn được chú trọng, trong đó trên 80% lao động nữ có việc làm và thu nhập ổn định sau đào tạo. Tỷ lệ lao động nữ có việc làm mới hàng năm luôn giữ ở mức khá ổn định từ 48% trở lên. Phụ nữ điều hành 1/4 số doanh nghiệp vừa và nhỏ, tạo việc làm cho hơn 1 triệu lao động. Năm 2018, tỷ lệ nữ làm chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh trên phạm vi toàn quốc là 26,54%, trong đó khu vực thành thị đạt 31,6% và khu vực nông thôn là 18,7% .

Các nữ chủ doanh nghiệp

       Đề án Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025  có mục đích nâng cao nhận thức của phụ nữ về chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước về khởi nghiệp, thúc đẩy hiện thực hóa các ý tưởng kinh doanh, góp phần thực hiện mục tiêu quốc gia về phát triển doanh nghiệp. Đề án đã đưa ra chỉ tiêu đến năm 2025 có 100.000 doanh nghiệp của nữ mới thành lập được tư vấn, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp. Trong quá trình triển khai Đề án, Trung ương Hội LHPN Việt Nam đã tổ chức nhiều hoạt động gồm: Tập huấn cung cấp kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp cho phụ nữ; tổ chức hội chợ kết nối giao lưu học hỏi, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm cho doanh nghiệp nữ… Hội  khuyến khích phụ nữ xây dựng các ý tưởng kinh doanh, phát động các phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi, qua đó thúc đẩy niềm đam mê, khát vọng khởi nghiệp của phụ nữ, hỗ trợ thành lập doanh nghiệp, trang trại do phụ nữ làm chủ.

        Việt Nam đứng thứ 6/57 quốc gia về tỷ lệ nữ làm chủ doanh nghiệp; 56/156 quốc gia (69,7 điểm) trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và 26/156 (79,8 điểm) quốc gia trong thực hiện mục tiêu 5 về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ; 77/149 quốc gia về chỉ số khoảng cách giới.

Cải thiện sức khỏe, điều kiện học tập

         Từ năm 2015, Việt Nam đã đạt được mục tiêu thiên niên kỷ về giảm tử vong bà mẹ xuống 49/100.000 trẻ đẻ sống, giảm tử vong trẻ em dưới 1 tuổi xuống 14,7/100.000. Tỷ lệ phụ nữ đẻ được khám thai ít nhất 3 lần đạt trên 90%, tỷ lệ phụ nữ đẻ do cán bộ y tế đã qua đào tạo đỡ đạt 98%. Tỷ lệ bà mẹ và trẻ sơ sinh được chăm sóc tuần đầu sau sinh đạt 81%.

        Không có sự chênh lệch giữa tỷ lệ phụ nữ và nam giới có thẻ bảo hiểm y tế hoặc thẻ khám chữa bệnh miễn phí, khoảng 69,7% người dân có thẻ BHYT, trong đó, nữ là 68,7% và nam là 70,7%.

Trẻ em có cơ hội đến trường như nhau

       Việt Nam đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục tiểu học và và chống mù chữ  từ năm 2000 và có 61/63 tỉnh/thành phố đã đạt chuẩn phổ cập tiểu học đúng độ tuổi cấp độ I. Cơ hội đến trường được mở rộng cho tất cả mọi người, đặc biệt trẻ em gái. Đến năm 2017, tỷ lệ phổ cập giáo dục mầm non, tỷ lệ đi học tiểu học đúng tuổi đều đạt trên 99%, tỷ lệ đi học trung học cơ sở đúng tuổi đạt trên 93% . Khoảng cách giới trong tham gia giáo dục tối thiểu ở Việt Nam gần như đã được xóa bỏ.

Tích cực phòng, chống bạo lực giới

     Việt Nam là quốc gia đầu tiên trên thế giới thực hiện điều tra lần hai về tình trạng bạo lực đối với phụ nữ. Kết quả sơ bộ cho thấy thực trạng bạo lực đối với phụ nữ đã giảm: Bạo lực thể xác giảm từ 31,5% (năm 2010) xuống 26,1% (năm 2018); bạo lực tinh thần giảm từ 53,6% (năm 2010) xuống 47,0% (năm 2018).

Một hoạt động chống bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái

     Đến năm 2018, toàn quốc đã có 9.024 mô hình phòng, chống bạo lực gia đình, đạt 74,85% tổng số xã/ phường/ thị trấn trong cả nước. Có 33.192 địa chỉ tin cậy ở cộng đồng; 26.558 nhóm phòng, chống bạo lực gia đình và 19.812 câu lạc bộ xây dựng gia đình bền vững. Nhiều mô hình về phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới, bạo lực gia đình của các cơ quan, tổ chức đã được triển khai, nhân rộng. Việt Nam ngày càng hoàn thiện hệ thống cung cấp dịch vụ bảo vệ phụ nữ và trẻ em bị bạo lực, xâm hại. Hiện nay, toàn quốc có 418 cơ sở trợ giúp xã hội, trong đó có 195 cơ sở công lập và 223 cơ sở ngoài công lập. Hệ thống dịch vụ này hỗ trợ đảm bảo cho phụ nữ và trẻ em được tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ một cách toàn diện.

                                                                                                                                                 Theo: http://hoilhpn.org.vn