Hội LHPN xã Ninh Trung (thị xã Ninh Hòa) với công tác tuyên truyền, bảo vệ môi trường

phunu.khanhhoa.gov.vn ── [ In trang Chủ nhật, 22/12/2024 ]

Ninh Trung là một xã tổng diện tích 1.778,05 ha, với điều kiện tự nhiên, đất đai, khí hậu thuận lợi cho việc phát triển nông nghiệp, 80% gia đình hội viên phụ nữ sống bằng nghề trồng cây lúa nước, sau mỗi vụ sản xuất, người dân thải ra môi trường một lượng rác vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật rất lớn, với diện tích gieo trồng lớn, diễn biến sâu bệnh ngày càng tăng, nên mức độ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cao. Từ trước đến nay việc vứt rác thải bao bì thuốc bảo vệ thực vật qua sử dụng ra ngoài đồng ruộng, thả xuống kênh mương ao, hồ, thậm chí là đầu nguồn nước sinh hoạt trở thành thói quen của nhiều người dân, làm tăng nguy cơ tồn dư thuốc sẽ bị khuếch tán vào nước tưới, nước mưa và thấm vào mạch nước ngầm, gây ô nhiễm trực tiếp hệ sinh thái, ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống và sức khỏe con người.

Từ tình hình thực tế về vấn đề ô nhiễm môi trường trên cánh đồng ruộng sản xuất nông nghiệp tại địa bàn xã, nắm bắt tình hình về đời sống, nhu cầu, tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, hội viên và nhân dân. Hội LHPN xã tuyên truyền, vận động hội viên phụ nữ, đặc biệt các hộ đang sản xuất nông nghiệp, xây dựng mô hình các hố rác (tự quản) làm bằng Pibêtông thiết kế hình trụ, đường kính 0,8m; cao 1m, có đế, đảm bảo theo quy cách, được đặt ở ngay các đầu đường nội đồng, gần mương nước, nơi thuận tiện nhất chỗ bà con lấy nước phun thuốc và xử lý rác thải nông nghiệp bỏ vào các hố rác. Cách làm này được triển khai rộng rãi nhất tại thôn Thạch Định (xã Ninh Trung) với mô hình “Xanh, sạch trên đồng ruộng”.

Ninh Trung voi cong tac Bao ve moi truong.jpg (26 KB)

Hố rác tại cánh đồng ruộng thôn Thạch Định

Để đảm bảo quyền lợi, hợp pháp chính đáng cho các hộ dân tham gia thực hiện thu gom, xử lý rác thải tại đồng ruộng, Hội LHPN xã tổ chức 01 buổi Hội nghị đối thoại giữa người đứng đầu cấp uỷ, lãnh đạo Hội LHPN xã với trên 100 hội viên phụ nữ tham dự, đây là dịp để lãnh đạo Đảng ủy, Hội Liên hiệp phụ nữ xã lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, đồng thời đề ra các giải pháp thiết thực, giúp chị em phụ nữ và nông dân thấy được tính tự nguyện, tự giác trong việc thực hiện thu gom rác thải và thực hiện xây dựng các hố rác ngoài đồng ruộng là sự cần thiết.

Hội LHPN xã Ninh Trung đảm nhận, với 52 chị em phụ nữ và nhân dân trong thôn Thạch Định tình nguyện tham gia đóng góp kinh phí (tự nguyện), với số tiền 15 triệu đồng và xây dựng được 15 hố rác (tự quản) để giúp người dân có nơi tập kết rác thải vật tư nông nghiệp, đồng thời người dân trực tiếp đóng góp xây dựng hố rác (tự quản) sẽ góp phần nâng cao trách nhiệm vận hành, bảo dưỡng khi đưa vào sử dụng, trước khi đặt các hố rác ngoài đồng ruộng Hội LHPN xã họp bàn bạc và lựa chọn vị trí phù hợp, phân bố hợp lý thuận lợi cho nông dân khi pha chế thuốc, xa khu dân cư, không ảnh hưởng môi trường xung quanh.

Hội LHPN xã phân công Ủy viên Ban Chấp hành Hội và Chi/tổ phụ nữ phụ trách địa bàn thôn thường xuyên đi kiểm tra, giám sát xử lý các hố rác theo định kỳ. Sau khi thu gom rác thải nông nghiệp, Chi, tổ phụ nữ và nông dân thu gom đến nơi tập kết, để xe chở rác, vận chuyển về bãi rác tập trung của xã để tiêu hủy, xử lý đúng quy định.

Về công tác tuyên truyền, Hội xây dựng nội dung, chương trình, kế hoạch, phù hợp, đa dạng hóa các hình thức như: Tổ chức hội thi, Hội diễn văn nghệ quần chúng, lồng ghép tuyên truyền tại các cuộc mit tinh, hội họp, các buổi sinh hoạt tại 07 Chi hội, 05 mô hình và 02 Câu lạc bộ “Xây dựng gia đình hạnh phúc”, tuyên truyền qua hệ thống thông tin truyền thanh ... ngoài ra, vận động hội viên phụ nữ tham gia và phát động phong trào “Bảo vệ môi trường, nhân rộng mô hình xanh, sạch trên đồng ruộng” gắn với cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch” và đồng thời vận động người dân sau khi phun thuốc bảo vệ thực vật trên các cánh đồng thu gom rác thải vào các hố rác.

 Đến nay, trên đồng ruộng thôn Thạch Định đã giảm hơn 80% lượng rác bao bì, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật, việc bỏ rác thải vào các hố rác (tự quản) đã trở thành thói quen của nhiều người dân, việc thành lập thực hiện mô hình các hố rác (tự quản) làm bằng Pibêtông trên cánh đồng, để bảo vệ môi trường là cách làm mang lại hiệu quả tích cực. Mô hình này đang nhận được sự ủng hộ đông đảo của nhân dân trong xã và khẳng định hiệu quả, thiết thực trong việc giữ gìn và bảo vệ môi trường sống. 

Đây chính là cơ sở quan trọng giúp địa phương và nhân dân hướng đến một nền sản xuất nông nghiệp khoa học, xanh, sạch và bền vững. Góp phần hoàn thành tiêu chí (số 17) môi trường xây dựng nông thôn mới tại địa phương.  

                                                                                                   Nguyễn Thị Thu Thủy