Tiếp tục thực hiện chủ đề năm “An toàn cho phụ nữ và trẻ em” trong năm 2020

phunu.khanhhoa.gov.vn ── [ In trang Chủ nhật, 22/12/2024 ]

Năm 2019, Ban Chấp hành Trung ương Hội đã lựa chọn chủ đề “An toàn cho phụ nữ và trẻ em” để tập trung chỉ đạo là chủ trương đúng và trúng, phù hợp với yêu cầu thực tiễn và mong đợi của xã hội, được Chính phủ, cấp ủy, chính quyền, các ngành, các tổ chức và cộng đồng quan tâm đánh giá cao và ủng hộ, sự chung tay thực hiện, nhiều hoạt động có sự tham gia của nam giới.

Các nội dung về an toàn đã được các cấp Hội đầu tư chỉ đạo, thực hiện bằng nhiều hình thức, tập trung nguồn lực và gắn với triển khai nhiệm vụ công tác Hội cuộc vận động xây dựng gia đình 5 không 3 sạch và các chương trình, đề án, dự án của Hội. Công tác tuyên truyền đầu tư về nội dung, hình thức đổi mới sáng tạo, mới mẻ, tạo được dấu ấn, sức lan tỏa trong cộng đồng; nhiều sự kiện truyền thông, hội nghị, hội thảo đã được tổ chức thu hút sự tham gia của các chuyên gia, các đại biểu các ngành, lĩnh vực và cộng đồng.

Việc lên tiếng, tham gia giải quyết các vụ việc xâm hại, bạo lực phụ nữ và trẻ em được đầu tư, chủ động, có sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, góp phần xử lý kịp thời, nghiêm minh các vụ việc, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của phụ nữ và trẻ em.

Nhiều mô hình có hiệu quả về an toàn cho phụ nữ và trẻ em được xây dựng, nhân rộng. Các nội dung an toàn đều được quan tâm thực hiện, trong đó nhiều địa phương chú trọng lựa chọn nội dung phù hợp nhằm giải quyết các vấn đề thực tiễn như phòng chống bạo lực gia đình, an toàn giao thông, an toàn nơi công cộng, an toàn thực phẩm… Hoạt động của các cấp Hội đã tạo chuyển biến, nâng cao nhận thức và bước đầu thay đổi hành vi của các cơ quan, tổ chức và cộng đồng về an toàn cho phụ nữ và trẻ em.

Với những kết quả đã đạt được trong năm 2019, để triển khai và tổ chức thực hiện tốt chủ đề này trong năm 2020, các cấp Hội cần: Cần xác định đúng chủ đề và lựa chọn các nội dung an toàn phù hợp với địa phương, đơn vị và đáp ứng được nguyện vọng của phụ nữ và người dân; Cần xác định rõ cách thức tiếp cận khi thực hiện chủ đề năm, xác định đảm bảo an toàn cho phụ nữ và trẻ em là trách nhiệm toàn xã hội, cần sự chung tay của nhiều cấp, ngành, trong đó, Hội đóng vai trò là nòng cốt vận động; đảm bảo an toàn đối với phụ nữ và trẻ em phải trở thành nội dung xuyên suốt của các cấp Hội, chú trọng trang bị kiến thức, kỹ năng cho phụ nữ và trẻ em và tập trung nguồn lực cho các hoạt động đảm bảo an toàn; Chủ động nắm bắt thông tin, kịp thời tham gia giải quyết các vụ việc; kiên trì, quyết liệt khi tham gia giải quyết các vụ việc nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ.

Bên cạnh đó các cấp Hội cần quan tâm rút kinh nghiệm:

Các cấp Hội một số địa phương chưa chú trọng rà soát các vấn đề liên quan đến an toàn cho phụ nữ và trẻ em để lựa chọn nội dung ưu tiên nên còn dàn trải, chưa có điểm nhấn. Các nội dung an toàn được thực hiện chủ yếu liên quan đến môi trường gia đình, còn ít các nội dung an toàn nơi công cộng, nhất là vấn đề quấy rối tình dục nơi công cộng; Việc vận động, thu hút sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền và các ngành, các tổ chức một số nơi còn hạn chế, chưa có nhiều hoạt động do các ngành chủ trì thực hiện hưởng ứng chủ đề năm do Hội phát động; Công tác nắm bắt tình hình các vấn đề xã hội phát sinh liên quan đến phụ nữ và trẻ em một số nơi chưa kịp thời, có nơi việc lên tiếng bảo vệ phụ nữ và trẻ em còn chậm hoặc chưa chủ động.

Các vấn đề đặt ra về an toàn cho phụ nữ và trẻ em trong năm 2020:

Các vụ việc xâm hại, quấy rối tình dục phụ nữ, trẻ em được phát hiện ở nhiều địa phương với mức độ nghiêm trọng; tỷ lệ phụ nữ nạo phá thai, mang thai tuổi vị thành niên còn cao; tình trạng tảo hôn và kết hôn cận huyết thống vẫn xảy ra nhất là ở các dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa; Kết quả giảm nghèo đa chiều chưa thực sự bền vững; khoảng cách phát triển giữa các vùng, miền còn lớn. Vẫn còn tồn tại tình trạng tín dụng đen ở một số địa phương dễ dẫn đến rủi ro đối với phụ nữ trong hoạt động phát triển kinh tế; Tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn diễn biến phức tạp, tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa đang là vấn đề đáng báo động. Mất an toàn thực phẩm vẫn là vấn đề lo ngại, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người dân; Thách thức về việc làm đối với phụ nữ trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0; thiên tai, biến đổi khí hậu ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống, sinh kế của người dân. Những tác động tiêu cực của mạng xã hội gây khó khăn cho giáo dục gia đình và định hướng giáo dục nhân cách, nhất là đối với trẻ em.

Với những thuận lợi và khó khăn thách thức đang diễn ra, trong năm 2020 các cấp Hội tập trung: Tiếp tục chỉ đạo thực hiện chủ đề “An toàn cho phụ nữ và trẻ em” với trọng tâm ưu tiên thực hiện thống nhất trong hệ thống hội về phòng chống xâm hại trẻ em; Đồng thời, từng cấp Hội lựa chọn các nội dung về an toàn cho phụ nữ và trẻ em phù hợp với thực tiễn địa phương, đơn vị để tập trung thực hiện; Triển khai các hoạt động thực hiện chủ đề năm gắn với đợt thi đua đặc biệt chào mừng Đại hội thi đua yêu nước Hội LHPN Việt Nam lần thứ IV và kỷ niệm 90 năm thành lập Hội LHPN Việt Nam; Tiếp tục thực hiện Cuộc vận động xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch, chương trình Đồng hành cùng phụ nữ biên cương, các chương trình, đề án và các chỉ tiêu Đại hội gắn với các nội dung chủ đề năm. Tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế và các tổ chức phi chính phủ để chia sẻ thông tin, học tập kinh nghiệm mô hình hay, hiệu quả; chủ động vận động hỗ trợ nguồn lực, kỹ thuật để thực hiện các mô hình hiệu quả; Tổ chức các hoạt động tuyên truyền, hội thảo, diễn đàn, tập huấn cung cấp kiến thức và kỹ năng an toàn cho phụ nữ và trẻ em, kỹ năng phòng chống xâm hại trẻ em. Xây dựng các tài liệu chuyên đề (tờ rơi, cẩm nang, poster…) về các lĩnh vực an toàn; Tiếp tục chỉ đạo, hỗ trợ xây dựng và nhân rộng các mô hình an toàn; Thường xuyên nắm bắt, phát hiện, phản ánh với các cơ quan chức năng về các vụ việc xâm hại, bạo lực phụ nữ và trẻ em; kịp thời lên tiếng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ, trẻ em. Chú trọng can thiệp sớm ở cơ sở ngay khi phát hiện vụ việc.

Hội LHPN tỉnh