Bạo lực gia đình và một số giải pháp phòng tránh bạo lực gia đình

phunu.khanhhoa.gov.vn ── [ In trang Thứ sáu, 22/11/2024 ]
Ngày nay, khi chúng ta đang chung tay xây dựng xã hội văn minh tiến bộ, gia đình hạnh phúc nhưng tình trạng bạo lực gia đình vẫn còn tồn tại và diễn ra phức tạp dưới nhiều hình thức, do đó chúng ta cần phải đấu tranh để hạn chế và từng bước xóa bỏ nó trong đời sống xã hội.

ANH BAO LUC GIA DINH.jpg (168 KB)

1. Khái niệm bạo lực gia đình

Bạo lực gia đình là một dạng thức của bạo lực xã hội, là: “hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, kinh tế đối với thành viên khác trong gia đình” (Điều 1 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2007).

 Có thể chia bạo lực gia đình thành 4 nhóm chủ yếu sau:

   - Bạo lực về thể chất: là hành vi ngược đãi, đánh đập thành viên gia đình, làm tổn thương tới sức khỏe, tính mạng của họ.

   - Bạo lực về tinh thần: là những lời nói, thái độ, hành vi làm tổn thương tới danh dự, nhân phẩm, tâm lý của thành viên gia đình.

   - Bạo lực về kinh tế: là hành vi xâm phạm tới các quyền lợi về kinh tế của thành viên gia đình (quyền sở hữu tài sản, quyền tự do lao động…).

   - Bạo lực về tình dục: là tất cả các hành vi mang tính chất cưỡng ép trong các quan hệ tình dục giữa các thành viên gia đình, kể cả việc cưỡng ép sinh con.

      Bạo lực về tình dục là vấn đề khá tế nhị, người ta thường hay giấu nhưng nó xảy ra khá nhiều và gây hậu quả làm đổ vỡ gia đình.

2. Các dạng bạo lực trong gia đình gồm

- Bạo lực giữa vợ, chồng với nhau: Bạo lực giữa người chồng đối với người vợ trong gia đình là dạng bạo lực phổ biến nhất trong gia đình (chiếm 70%)

  - Hiện tượng người vợ sử dụng bạo lực đối với chồng thường biểu hiện ở những lời lẽ chửi bới, những cách ứng xử thô bạo, thậm chí đánh đập chồng, quản lý thời gian và tiền bạc quá chặt chẽ, cấm vận về tình dục với chồng… gây ra những tổn thương về thể chất hoặc tính mạng của người chồng.

  - Bạo lực giữa cha mẹ và con cái: xuất phát từ cái quan niệm gọi là “Yêu cho roi cho vọt – Ghét cho ngọt cho ngào” cần phải nghiêm khắc với con.

  - Bạo lực gia đình từ người con đối với cha mẹ, đây là hành vi bất hiếu, đi ngược lại đạo lý truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

  - Bạo lực giữa các thành viên khác trong gia đình: anh em, chú cháu đánh nhau vì xích mích, mâu thuẫn trong cuộc sống, vì tranh chấp tài sản, chị em mắng chửi, nói xấu nhau….

3.  Hậu quả của bạo lực gia đình

Hậu quả của mỗi hành vi bạo lực gia đình trực tiếp hay gián tiếp đều tác động và ảnh hưởng xấu đến hạnh phúc gia đình và trật tự xã hội.

  + Làm tổn thương về tinh thần đối với những người bị bạo hành.

  + Gây thương tích thân thể, thậm chí gây tử vong.  

  + Vợ chồng ly thân dẫn đến ly hôn gia đình tan vỡ.

  + Gây nhiều hậu quả xấu và nhiều vấn nạn xã hội phải giải quyết.

4. Nguyên nhân của bạo lực gia đình

-  Nguyên nhân dẫn đến bạo lực gia đình do các tệ nạn xã hội mà người chồng hoặc vợ mắc phải, như nghiện rượu, sa vào cờ bạc, kinh tế khó khăn, người chồng có tính gia trưởng, mất vị trí trụ cột trong gia đình, con cái vi phạm pháp luật (chiếm 63,7%)

  -  Sự thiếu hiểu biết pháp luật của cả vợ chồng và các con, do trình độ học vấn thấp. Do không hiểu biết pháp luật, thiếu hiểu biết về bình đẳng giới, mang nặng tư tưởng về định kiến giới, tất yếu dẫn đến bạo lực gia đình (đây là nguyên nhân gốc rễ sâu xa của vấn đề ).

  - Đời sống vợ chồng không được thoả mãn về tình dục thường dẫn đến sự phản bội trong tình yêu và hôn nhân, ngoại tình, dẫn đến gia đình tan vỡ.

  - Việc thực thi pháp luật trong phòng, chống bạo lực gia đình hiệu quả chưa cao. Những nạn nhân của bạo lực gia đình (chủ yếu là người phụ nữ - người vợ) có thái độ cam chịu, không muốn tố cáo, không muốn “vạch áo cho người xem lưng”. Xem đây là chuyện của riêng gia đình chứ không phải chuyện của xã hội.

  - Hiện nay hình phạt còn quá nhẹ, không tương xứng với hậu quả mà nó gây ra, tính phòng ngừa răn đe còn hết sức hạn chế.

  - Bạo lực gia đình là một hiện tượng tiêu cực đi ngược lại những chuẩn mực đạo đức văn hóa của dân tộc. Vì vậy Luật phòng chống bạo lực gia đình do Quốc Hội thông qua có hiệu lực từ tháng 7/2007.

5. Các giải pháp phòng chống bạo lực gia đình

5.1. Đối với các tổ chức xã hội

- Thứ nhất: Tăng cường hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới nhằm nâng cao nhận thức tiến tới chuyển đổi hành vi của các tầng lớp nhân dân về bạo lực gia đình.

Giáo dục bình đẳng giới phải được thực hiện ngay từ trong gia đình đến nhà trường và xã hội. Phải nâng cao nhận thức của cả hai giới về quyền và nghĩa vụ của họ trong mối quan hệ với các thành viên trong gia đình.

- Thứ hai: phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình; vai trò của họ hàng. Duy trì sự ổn định, đoàn kết và êm ấm trong gia đình; làm tốt công tác hòa giải mâu thuẫn, tranh chấp giữa các thành viên gia đình.

Ngăn chặn kịp thời và bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân của bạo lực gia đình; cần trang bị cho nạn nhân sự hiểu biết để tự bảo vệ như: có nghề nghiệp, sự độc lập về tài chính, trình độ học vấn, ý thức vươn lên làm chủ bản thân và gia đình, kiến thức giữ gìn hạnh phúc gia đình, nuôi dạy con cái...

-  Thứ ba: đẩy mạnh thực hiện phong trào xây dựng gia đình văn hóa, nếp sống văn minh; cần quan tâm xây dựng gia đình văn hoá, làng văn hoá trong đó đưa tiêu chí không có bạo lực gia đình, không lạm dụng rượu bia, không có tệ nạn cờ bạc, ma tuý để công nhận gia đình văn hóa.

-  Thứ tư: phải xử lý nghiêm người có hành vi bạo lực gia đình theo đúng quy định của Nghị định số 110/2009/NĐ-CP của Chính phủ về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình.

- Thứ năm: thực hiện việc lồng ghép chương trình phòng chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới trong chương trình kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của các cấp, các ngành.

+ Có giải pháp cụ thể hoá các chỉ tiêu, mục tiêu về phòng, chống bạo lực gia đình, phòng chống các tệ nạn xã hội xâm nhập vào gia đình.

+ Xây dựng các thiết chế gia đình bền vững để phòng tránh bạo lực gia đình, đồng thời phải tăng cường vai trò Lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, Chính quyền địa phương, phối hợp với các cơ quan, ban ngành, đoàn thể trong thực hiện phòng, chống bạo lực gia đình và bình đẳng giới.

5.2. Đối với các nạn nhân bị bạo hành (cần biết một số kỹ năng để phòng tránh)

  1. Nhận biết các dấu hiệu mình sắp bị bạo hành.
  2. Thừa nhận đối tác của mình là người gây bạo lực.

         Phụ nữ còn tư tưởng "xấu chàng hổ ai" nên không chịu thừa nhận họ là người đã gây ra những tổn hại đến thể xác và tinh thần cho mình.

  1. Nói cho hàng xóm biết để họ có thể giúp đỡ.
  2. Phòng bị một chiếc điện thoại trong nhà để liên lạc với người bên ngoài.
  3. Lưu trong danh bạ một vài số điện thoại khẩn cấp của cán bộ trong khu phố, Công An địa phương, số 113 để liên hệ khi có bạo lực nghiêm trọng.
  4. Thực hiện ngay một cuộc gọi cho người thân.
  5. Ghi nhận lại bằng chứng: ghi nhận lại tất cả bằng chứng - ngày, giờ diễn ra bạo hành để làm căn cứ nếu có kiện tụng trước tòa.
  6. Dự trù một tài khoản bí mật cho riêng mình nếu thấy cần thiết.
  7. Nên im lặng là vàng khi chồng quá say xỉn.
  8. Gặp gỡ chuyên gia tâm lý để nghe tư vấn về bạo lực tình dục. khi gặp những tình huống bạo lực tình dục để thỏa mãn ham muốn. Hãy đến gặp chuyên gia tư vấn tâm lý để tìm giải pháp.

Những người phụ nữ nên ý thức:“Mọi thứ sẽ thay đổ nếu bạn dám tố cáo. Không phụ nữ nào đáng phải chịu cảnh bạo hành gia đình”.

Việc phòng chống bạo lực gia đình, bảo vệ người phụ nữ không phải là chuyện một sớm một chiều có thể giải quyết ngay được. Nó đòi hỏi phải có thời gian, mà điều tiên quyết là phải nâng cao dân trí, tích cực tuyên truyền đi đôi với việc thực hiện bình đẳng giới, thi hành luật và các chế tài nghiêm minh. Phòng chống bạo lực gia đình không phải là việc của một cá nhân hay một tổ chức độc lập mà là công việc chung, cần có sự kết hợp đồng bộ, sự phối hợp của các cơ quan hữu quan và cả hệ thống chính trị, cả xã hội vào cuộc mới mang lại hiệu quả thiết thực nhằm xây dựng xã hội văn minh tiến bộ, gia đình hạnh phúc.

                                                                      Nguyễn Mạnh Thân