Nâng cao nhận thức về bình đẳng giới

phunu.khanhhoa.gov.vn ── [ In trang Thứ năm, 21/11/2024 ]

Bình đẳng giới là mục tiêu phấn đấu chung của Liên hợp quốc. Ở nước ta, bình đẳng giới được Đảng và Nhà nước dành sự quan tâm đặc biệt và được hiện thực hóa bằng đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, được thực hiện bằng nhiều dự án nhằm thúc đẩy quá trình trao quyền cho phụ nữ từng bước xóa đi rào cản, sự phân biệt nam và nữ trong đời sống xã hội.

 

1,Phát động tháng hành động vì bình đẳng giới (13-12).JPG (79 KB)

I. Các khái niệm về bình đẳng giới

1. Khái niệm về giới tính

Giới tính là thuật ngữ khoa học xuất phát từ môn Sinh học chỉ sự khác biệt giữa nam và nữ về mặt sinh học, là đặc điểm cấu tạo về cơ thể liên quan đến chức năng sinh sản của phụ nữ và nam giới. Đây là đặc điểm mang tính bẩm sinh, mà phụ nữ và nam giới không thể hoán đổi cho nhau.

2. Khái niệm về giới

2.1. Khái niệm về giới: Giới là thuật ngữ xã hội học đề cập các mối quan hệ và tương quan về địa vị, tiếng nói, công việc của phụ nữ và nam giới trong gia đình và xã hội. Đây là đặc điểm mà phụ nữ và nam giới có thể hoán đổi cho nhau theo thời gian và những biến đổi của xã hội.

2.2. Vai trò của giới (cả nam và nữ đều có 3 vai trò này)

- Vai trò sản xuất

- Vai trò sinh sản và nuôi dưỡng

- Vai trò cộng đồng

3. Định kiến về giới

3.1. Khái niệm về định kiến giới: định kiến giới là nhận thức, thái độ và sự đánh giá thiên lệch tiêu cực về đặc điểm, vị trí vai trò và năng lực của nam hoặc nữ.

- Định kiến giới là suy nghĩ của mọi người về những gì mà phụ nữ và nam giới có khả năng làm và loại công việc mà họ có thể làm và nên làm mà một số người nào đó gán cho là thuộc tính của nam giới hay nữ giới.

- Định kiến giới thường có xu hướng đánh giá tiêu cực, không phản ánh đúng khả năng thực tế điều mà cá nhân nam hoặc nữ có thể làm và nên làm (ví dụ: nữ giới là tổng thống, thủ tướng, phi công lái máy bay …; nam giới nấu bếp, làm hoa…)

3.2. Từ định kiến giới dẫn đến vai trò, vị trí của người phụ nữ trong xã hội     

Trong lịch sử, việc đối xử với phụ nữ như thế nào, họ có được bình đẳng không? Thực tế, người phụ nữ phải chịu cảnh đối xử bất bình đẳng bị hạ thấp vai trò, vị trí trong xã hội.

Ở xã hội phong kiến người phụ nữ phải chịu rất nhiều bi kịch đau đớn: 

Trước hết là bi kịch của quan niệm trọng nam khinh nữ, người phụ nữ bị trói buộc bởi những quy định hà khắc của lễ giáo phong kiến (tam tòng, tứ đức…) phải chịu cảnh ép duyên, cảnh đa thê, cảnh bạo hành ngược đãi, bị phân biệt đối xử. Theo thời gian, xã hội phát triển thì quan niệm và cách nhìn nhận về vai trò của người phụ nữ đã có những thay đổi tiến bộ đáng phấn khởi. Mặc dù vậy những định kiến, sự phân biệt và việc bất bình đẳng giới vẫn tồn tại trong xã hội.

3.3. Khái  niệm về bất bình đẳng giới

Bất bình đẳng giới là sự phân biệt đối xử giữa nam và nữ về vị thế, điều kiện và cơ hội bất lợi cho nam nữ trong việc thực hiện quyền con người, đóng góp và hưởng lợi từ gia đình và đất nước.

Nói cách khác: bất bình đẳng giới là sự đối xử khác biệt với nam giới và phụ nữ tạo nên cơ hội khác nhau sự tiếp cận các nguồn lực khác nhau, sự thụ hưởng khác nhau giữa nam và nữ trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, cụ thể là:

- Bất bình đẳng trong đối xử: công việc đặc thù của phụ nữ thường bị đánh giá thấp hơn nam giới.

- Bất bình đẳng về cơ hội: cơ hội thăng tiến trong nghề nghiệp của phụ nữ thấp hơn nam.

- Bất bình đẳng về hưởng thụ, lợi ích.

Thời gian lao động của phụ nữ và nam giới như sau: nam giới 1 tuần có 25,1 giờ lao động, 26,5 giờ chăm sóc gia đình và công việc khác. Phụ nữ 1 tuần có 19,7 giờ được trả công, 38,7 giờ chăm sóc gia đình. (theo nghiên cứu của Tổng cục Dân số - Bộ Y tế).

Trong một ngày phụ nữ dành 5 giờ cho công việc gia đình, trong đó nam giới chỉ có từ 2 - 2,5 giờ. Trung bình 1 năm phụ nữ làm công việc gia đình nhiều hơn nam giới 300 giờ (Theo Hội Nông dân Việt Nam, Báo Vietnam.net và báo Dân trí).

+ Về hưởng thụ lợi ích: tỷ lệ phụ nữ xem tivi và đọc báo ... thấp hơn nam giới.

+ Bảo hiểm xã hội áp dụng cho lao động khu vực nhà nước của nữ thấp hơn so với nam.

- Bất bình đẳng về kiểm soát và ra quyết định.

+ Tỷ lệ phụ nữ làm quản lý thấp hơn nam.

+ Phụ nữ đóng góp công lớn cho gia đình nhưng không phải là người ra quyết định.

- Sự bất bình đẳng này vì sao tồn tại ?

+ Vì sự định kiến và sự phân công này đã có từ nghìn năm và ngẫu nhiên gây một cảm giác về sự hợp lý bất biến.

+  Bất cứ ai nếu có ý định thay đổi đều cảm thấy e ngại trước dư luận xã hội mặc dù môi trường kinh tế xã hội đang phát triển và đã khác đi.

+ Lý do đứng đằng sau sự bất bình đẳng này thuộc về nhận thức - niềm tin - thói quen không dễ gì thay đổi nhưng lại rất cần sự thay đổi.

+ Sự bất bình đẳng kéo dài nhưng đôi khi chúng ta không nhận thấy sự bất công ấy vì chúng ta đã quen với nó, coi nó là tự nhiên, bình thường, tuy nhiên giá trị về giới có thể thay đổi được.

II. Quan điểm về bình đẳng giới

1. Khái niệm về bình đẳng giới

Bình đẳng giới là việc nam và nữ có vị trí, vai trò ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của cộng đồng, của gia đình và thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển đó.

2. Các lĩnh vực cơ bản trong việc thực hiện bình đẳng giới

Bình đẳng giới trong xã hội cần thực hiện trong 8 lĩnh vực sau:

2.1. Bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị

Bao gồm các nội dung:

- Nam nữ bình đẳng trong tham gia Nhà nước, tham gia công tác xã hội.

- Nam nữ bình đẳng trong tham gia xây dựng thực hiện hương ước, quy ước của cộng đồng, quy chế của cơ quan tổ chức.

- Nam nữ bình đẳng trong việc tự ứng cử và được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, HĐND, vào các cơ quan lãnh đạo của tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp.

- Nam nữ bình đẳng về tiêu chuẩn chuyên môn, độ tuổi khi được đề bạt, bổ nhiệm và cùng vị trí quản lý, lãnh đạo của cơ quan Nhà nước .

2.2. Lĩnh vực kinh tế

- Nam nữ bình đẳng trong việc thành lập doanh nghiệp, tiến hành lao động sản xuất kinh doanh, quản lý doanh nghiệp, bình đẳng trong tiếp thị nguồn tin, nguồn vốn thị trường và nguồn lao động.

- Nam nữ bình đẳng về tiêu chuẩn, độ tuổi khi được đề bạt, bổ nhiệm giữ các chức danh trong các ngành nghề có tiêu chuẩn chức danh.

2.3. Lĩnh vực lao động

- Nam nữ bình đẳng về tiêu chuẩn độ tuổi khi tuyển dụng, bình đẳng tại nơi làm việc về việc làm, tiền công, tiền thưởng, bảo hiểm xã hội, điều kiện lao động và các điều kiện khác (nữ giới chiếm 50% dân số và 42,8% lao động).

- Bình đẳng về tiêu chuẩn độ tuổi khi được đề bạt, bổ nhiệm giữ các chức danh trong các ngành nghề có tiêu chuẩn chức danh.

2.4. Lĩnh vực giáo dục - đào tạo

- Bình đẳng về độ tuổi đi học, đào tạo bồi dưỡng.

- Bình đẳng trong việc lựa chọn ngành nghề, học tập đào tạo.

- Bình đẳng trong việc tiếp cận hưởng thụ các chính sách về giáo dục - đào tạo bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ.

2.5. Lĩnh vực khoa học - công nghệ

- Nam nữ bình đẳng trong tiếp cận, ứng dụng khoa học, công nghệ.

- Bình đẳng trong việc tiếp cận các khóa đào tạo về khoa học công nghệ, phổ biến kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ, phát minh sáng chế.

2.6. Lĩnh vực văn hóa thông tin

- Nam nữ bình đẳng trong tham gia các hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao…..

- Nam nữ bình đẳng trong hưởng thụ văn hóa, tiếp cận sử dụng các nguồn thông tin.

2.7. Lĩnh vực y tế

- Nam nữ bình đẳng trong tham gia các hoạt động giáo dục truyền thông về chăm sóc sức khỏe, sức khỏe sinh sản và sử dụng các dịch vụ y tế.

- Nam nữ bình đẳng trong lựa chọn quyết định sử dụng các biện pháp tránh thai, biện pháp an toàn về tình dục, chống lây nhiễm HIV và bệnh lây truyền về đường tình dục.

- Phụ nữ nghèo cư trú các vùng sâu, vùng xa, dân tộc thiểu số, khi sinh con đúng chính sách dân số được hỗ trợ theo quyết định của chính phủ.

2.8. Lĩnh vực gia đình

- Vợ chồng bình đẳng trong quan hệ dân sự, quan hệ hôn nhân và gia đình.

- Vợ chồng có nghĩa vụ ngang nhau trong sở hữu tài sản chung, bình đẳng trong sử dụng nguồn thu nhập chung và quyết định các nguồn lực trong gia đình.

- Vợ chồng bình đẳng với nhau trong việc bàn bạc quyết định lựa chọn và sử dụng các biện pháp kế hoạch hóa gia đình phù hợp, sử dụng thời gian nghỉ chăm sóc con ốm theo quyết định của pháp luật.

- Con trai, con gái được gia đình chăm sóc và tạo điều kiện như nhau để học tập, lao động, vui chơi giải trí và phát triển.

- Các thành viên nam, nữ trong gia đình có trách nhiệm chia sẻ công việc gia đình.   

Thực chất của bình đẳng giới là: công nhận sự khác biệt giữa phụ nữ và nam giới - tạo các cơ hội bình đẳng cho phụ nữ thì chưa đủ mà phải làm cho họ tiếp cận một cách bình đẳng các cơ hội này.

- Có các biện pháp chính sách tạo điều kiện trong mọi lĩnh vực của cuộc sống mục đích cuối cùng là mang lại kết quả như nhau cho cả phụ nữ và nam giới.

Cần lưu ý: Bình đẳng giới không có nghĩa là phụ nữ và nam giới phải như nhau không có sự khác biệt về giới tính, giống nhau về mọi mặt, mà là sự giống nhau và khác nhau giữa phụ nữ và nam giới phải được công nhận và đánh giá một cách bình đẳng.

III. Trách nhiệm của các cơ quan đơn vị trong công tác bình đẳng giới

Để thực hiện công tác bình đẳng giới đạt kết quả cần phải huy động lực cả hệ thống chính trị bao gồm Quốc hội, các cấp ủy Đảng, các cấp chính quyền, các đoàn thể và toàn thể xã hội từ việc xây dựng bộ luật đến công tác tuyên truyền và triển khai thực hiện.

Đối với cơ quan, tổ chức chính trị - xã hội có trách nhiệm như sau:

1. Trong công tác tổ chức cán bộ

a) Bảo đảm cán bộ công chức, viên chức người lao động nam - nữ bình đẳng trong việc làm, đào tạo, đề bạt, bổ nhiệm và hưởng phúc lợi.

b) Bảo đảm việc đánh giá cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trên nguyên tắc bình đẳng giới.

2. Trong hoạt động cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội

a) Xác định thực trạng bình đẳng giới, xây dựng và đảm bảo thực hiện mục tiêu bình đẳng giới trong cơ quan, tổ chức mình, có báo cáo hàng năm.

b) Bảo đảm sự tham gia của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động nam, nữ trong xây dựng, thực thi pháp luật, chương trình, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế văn hóa, xã hội, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

c) Giáo dục về giới và pháp luật và bình đẳng giới cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động do mình quản lý.

d) Có biện pháp khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thực hiện bình đẳng giới trong cơ quan, tổ chức và gia đình.

đ) Tạo điều kiện phát triển các cơ sở phúc lợi xã hội, các dịch vụ hỗ trợ làm giảm nhẹ gánh nặng lao động gia đình.

3. Đối với chị em phụ nữ

Để thực hiện tốt quyền bình đẳng nam nữ, trước hết người phụ nữ phải nỗ lực vươn lên vượt qua rào cản để tiếp cận và hưởng thụ quyền, cần phải vượt qua nhiều thách thức khẳng định và phát huy vai trò của mình, để nắm bắt được những cơ hội, cùng với xã hội hướng tới mục tiêu bình đẳng giới.

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Về phần mình, chị em phụ nữ không nên ngồi chờ Chính phủ, chờ Đảng ra chỉ thị giải phóng cho mình, mà tự mình phải tự cường, phải đấu tranh”.

Bà Nguyễn Thị Thu Hà - Nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam từng trao đổi: Bản thân phụ nữ phải cố gắng vươn lên, đó là cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thực sự cho phụ nữ. Bình đẳng thật sự cho phụ nữ phải từ chính nội lực của chị em phụ nữ. 

Để làm thay đổi nếp nghĩ và cách ứng xử đối với phụ nữ hàng nghìn năm nay, cuộc đấu tranh thực hiện quyền bình đẳng giới chắc chắn phải thực hiện trong thời gian dài, gặp nhiều khó khăn vì vậy đòi hỏi sự vào cuộc của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và sự chung tay của toàn xã hội đồng thời không ngừng nâng cao nhận thức về bình đẳng giới cho các tầng lớp nhân dân nhất là chị em phụ nữ thì mới có thể thực hiện thành công.

                                                                                Nguyễn Mạnh Thân