Giáo dục đạo đức trẻ vị thành niên qua mô hình gia đình truyền thống và hiện đại

phunu.khanhhoa.gov.vn ── [ In trang Thứ sáu, 22/11/2024 ]

Hiện nay, nước ta đang bước vào thập kỷ 20 của thế kỷ XXI, với mô hình kinh tế thị trường theo định hướng XHCN cùng với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật thời đại 4.0 đã mang lại những thành tựu to lớn về kinh tế và sự phát triển xã hội. Bên cạnh đó, xã hội cũng phát sinh những hệ lụy và hậu quả của các tệ nạn xã hội, sự ô nhiễm môi trường và sự biến đổi của các giá trị và chuẩn mực về đạo đức, nhân cách… trong đó giới trẻ cũng bị ảnh hưởng khá nặng nề.

Trong bối cảnh gia đình Việt Nam đang ở giai đoạn chuyển giao từ mô hình gia đình truyền thống sang mô hình hiện đại, đồng thời chịu sự tác động của nền văn minh lúa nước chuyển sang nền văn minh công nghiệp, sự thay đổi tất yếu này khiến các bậc phụ huynh cần phải lựa chọn phương pháp giáo dục kiểu gia đình truyền thống hay kiểu gia đình hiện đại để giúp sự phát triển nhân cách và đạo đức của con em mình hoàn thiện nhất. Đó là một yêu cầu tất yếu của mỗi gia đình và một vấn đề quan trọng cấp thiết để đào tạo thế hệ trẻ trở thành công dân tốt phù hợp với thời đại có ích cho xã hội, đất nước.

anh internet.png (272 KB)

Ảnh internet

1. Khái niệm về gia đình

1.1. Khái niệm: Gia đình là một thiết chế văn hóa - xã hội đặc thù, là tế bào của xã hội, một nhân tố tạo nên sự tồn tại xã hội, là hình ảnh xã hội thu nhỏ,vì vậy gia đình bền vững hạnh phúc thì xã hội mới bền vững và phát triển.

Gia đình được hiểu là: một cộng đồng người, sống chung và gắn bó với nhau bởi các quan hệ tình cảm, quan hệ hôn nhân, quan hệ huyết thống, quan hệ nuôi dưỡng hoặc giáo dục.

1.2. Chức năng của gia đình

Mối quan hệ của gia đình được thiết lập với 5 chức năng:

Một là: Chức năng sinh sản - duy trì nòi giống làm cho xã hội phát triển.

Hai là: Chức năng kinh tế - là đơn vị kinh tế tạo sản phẩm cho gia đình và xã hội.

Ba là: Chức năng giáo dục - gia đình ảnh hưởng sâu sắc đến nhân cách con người.

Bốn là: Chức năng tâm lý tình cảm - Gia đình là tổ ấm của mỗi người, gia đình là nơi an ủi động viên tốt nhất về mặt tinh thần và tình cảm cả những lúc con người thành công hay thất bại trong cuộc sống.

Năm là: Chức năng bảo vệ chăm sóc sức khoẻ - Gia đình là nơi chăm lo bảo vệ sức khoẻ đảm bảo nhu cầu ăn uống, dinh dưỡng hàng ngày cho các thành viên.   

2. Các kiểu gia đình ở Việt nam

Ở Việt Nam đã từng tồn tại nhiều kiểu hình thức gia đình, nhưng có hai kiểu gia đình chính đó là: Gia đình kiểu truyền thống và Gia đình hiện đại

2.1. Gia đình kiểu truyền thống (Gia đình Nho giáo)

Là kiểu gia đình “Tam đại đồng đường, Tứ đại đồng đường..” mô hình này chủ yếu ở nông thôn, các thành viên quan hệ với nhau bằng quan hệ huyết thống.

Mỗi gia đình gồm có 3 - 4 thế hệ sống với nhau. Tổ chức theo kiểu này trong gia đình có sự gắn bó cao giữa các thế hệ, bảo lưu được những truyền thống, nề nếp, gia phong, gia đạo…

Các thành viên trong gia đình có điều kiện giúp đỡ nhau về vật chất và tinh thần, cụ thể là chăm sóc người già, giáo dục con cháu, mỗi người lớn lên và trưởng thành theo khuôn mẫu của gia đình dòng họ. Kiểu tổ chức này phát huy triệt để các chức năng gia đình của người Việt Nam.

 Hạn chế của mô hình này là: nhiều thế hệ với lối sống, thói quen khác nhau, vẫn duy trì một số tập tục lạc hậu, lỗi thời, hạn chế tự do cá nhân.

2.2. Gia đình kiểu hiện đại (hay là kiểu hạt nhân)

Đây là kiểu gia đình hiện đại, mỗi gia đình chỉ có hai thế hệ là cha mẹ và con cái   sống với nhau. Đây là kiểu gia đình công chức, viên chức, công an, bộ đội… Mô hình này xuất hiện ở thị trấn, thành phố và các khu công nghiệp.

Đó là mô hình gia đình nhỏ, tồn tại độc lập về kinh tế, gọn nhẹ, linh hoạt, phù hợp với sự phát triển của xã hội - Mô hình gia đình kiểu này là một xu thế tất yếu, phát triển khá nhanh đang có xu hướng lấn át và làm cho mô hình gia đình truyền thống thu hẹp lại.

Hạn chế của mô hình này là: sự ngăn cách về không gian giữa các thế hệ, liên kết giữa các thành viên trong gia đình lỏng lẻo hơn kiểu gia đình truyền thống.

3. Giáo dục trẻ em theo mô hình các kiểu gia đình

3.1. Giáo dục gia đình theo kiểu truyền thống

Giáo dục kiểu gia đình truyền thống chịu ảnh hưởng nhiều của đạo đức Nho giáo, đó là các quan niệm: đặt lợi ích gia đình lên trên lợi ích cá nhân, đề cao lòng hiếu thảo, đức hy sinh, văn hóa ứng xử “kính trên nhường dưới”… Tác động của kiểu giáo dục này trẻ em thường có tính cộng đồng cao, biết hy sinh lợi ích cá nhân cho gia đình và xã hội. Phương pháp giáo dục này đòi hỏi sự phục tùng tuyệt đối của người dưới với người trên (con cháu - ông bà, con - bố mẹ, em - anh chị…). Cách thức dạy bảo, phê bình của người trên với người dưới thường là sự áp đặt gắn với những hình thức kỷ luật tiêu cực, thường trừng phạt cả về thể xác hay hành hạ về tinh thần (dùng roi vọt để dạy bảo, đe dọa, chửi mắng...) để trẻ con phải phục tùng theo sự chỉ bảo của người lớn.

Bên cạnh đó, kiểu giáo dục truyền thống đặc biệt đề cao việc truyền thụ các giá trị truyền thống, hình thành cho trẻ em lòng yêu gia đình, yêu dân tộc, tôn trọng quá khứ và những thành quả cha ông để lại. Kiểu giáo dục này cũng yêu cầu mỗi bậc phụ huynh phải là tấm gương cho con cháu noi theo, các thế hệ trong gia đình phải có trách nhiệm với nhau, phải đùm bọc thương yêu nhau và giữ gìn gia phong, gia đạo.

3.2. Giáo dục gia đình theo kiểu hiện đại

Giáo dục gia đình kiểu truyền thống thường hướng về quá khứ để xây dựng hiện tại thì giáo dục gia đình kiểu hiện đại dựa vào cuộc sống hiện tại để xây dựng và hướng tới tương lai.

Giáo dục gia đình kiểu hiện đại có vai trò rất lớn trong việc hình thành và phát triển nhân cách của trẻ em nhưng không có vai trò tuyệt đối mà chịu ảnh hưởng của nhiều tác động giáo dục khác của xã hội đặc biệt là nhà trường và các đoàn thể.

Giáo dục gia đình kiểu hiện đại phát huy được tính độc lập và tự do cá nhân, đề cao sự bình đẳng giữa vợ chồng, con cái trong gia đình. Kiểu gia đình hiện đại luôn hướng tới cái mới, thích ứng với sự thay đổi của xã hội, lấy tình yêu làm cơ sở gắn bó, đồng thời trách nhiệm cá nhân cũng được chú trọng, đề cao.

Giáo dục gia đình kiểu hiện đại cha mẹ thường quan tâm và vận dụng các hình thức khiển trách kỷ luật tích cực nên không làm tổn thương đến thân thể hay tinh thần của trẻ em. Các hình thức giáo dục thường được áp dụng là: khen ngợi, góp ý, biểu dương, tìm sự cảm thông, chia sẻ, thỏa thuận giữa cha mẹ, những người lớn với các em phù hợp với tâm sinh lý của lớp trẻ nên có tác dụng phát huy tính tự giác không mang nặng yếu tố áp đặt.

4. Sự cần thiết phải kết hợp giáo dục gia đình kiểu truyền thống và hiện đại trong việc hình thành đạo đức và nhân cách của các em lứa tuổi vị thành niên.

Giáo dục gia đình kiểu truyền thống và hiện đại mỗi hình thức đều có những mặt ưu điểm và hạn chế của nó, trong thực tế đôi khi ưu điểm của hình thức này lại là nhược điểm của hình thức kia, vì thế các bậc cha mẹ cần phải lựa chọn, biết tận dụng, kết hợp hài hòa những ưu điểm của các hình thức giáo dục trên, phát huy được ưu điểm, khắc phục mặt hạn chế, bởi vì không có phương pháp nào có ưu thế tuyệt đối.

Mặt mạnh kiểu giáo dục gia đình truyền thống là giữ gìn được nề nếp gia đình có trật tự, giữ gìn được bản sắc dân tộc và phong tục tập quán tốt đẹp nhưng trong hình thức giáo dục này vẫn bao hàm việc bảo lưu những hủ tục đã lỗi thời như tính gia trưởng, áp đặt một chiều đối với lớp trẻ. Bên cạnh đó, giáo dục kiểu hiện đại mang tính dân chủ cao, phát huy bản sắc cá nhân, tiếp cận nhanh với thông tin mới, lối sống phong phú nhiều màu sắc phù hợp với thực tế cuộc sống nhưng nó lại ẩn chứa những nguy cơ làm cho sự liên kết gia đình lỏng lẻo, lớp trẻ dễ tiếp nhận những mặt trái của xã hội, nguy cơ lai căng, đánh mất bản sắc dân tộc làm cho cha mẹ và xã hội lo ngại.

Trên thực tế, gia đình Việt Nam hiện nay đang trong giai đoạn chuyển giao giữa kiểu gia đình truyền thống và gia đình kiểu hiện đại nên trong một gia đình vẫn tồn tại hai kiểu giáo dục trên. Nhiều gia đình đã xuất hiện mâu thuẫn giữa các thế hệ: ông bà bảo lưu kiểu giáo dục truyền thống, thế hệ bố mẹ, anh chị lại đấu tranh để thực hiện kiểu giáo dục hiện đại. Hơn nữa sự vận động và phát triển của xã hội theo xu thế mới với các hình thức tổ chức học tập, các đoàn thể chính trị - xã hội, sự ra đời của những giá trị mới, ảnh hưởng lối sống du nhập từ nước ngoài thay dần những giá trị cũ làm cho sự lựa chọn của các bậc cha mẹ trở nên khó khăn và không khỏi có những băn khoăn trăn trở.

Vì thế, trong hoàn cảnh hiện nay sự kết hợp hài hòa giữa hai kiểu giáo dục trên là sự lựa chọn cần thiết và đúng đắn. Các bậc cha mẹ cần biết chọn lọc những tinh hoa, mặt ưu điểm của hai hình thức giáo dục này để định hướng cho mình và con cái những giá trị chuẩn mực vừa có tính kế thừa, phát huy tinh hoa truyền thống vừa sáng tạo vận dụng cái mới của hiện đại góp phần nâng cao hiệu quả trong việc giáo dục đạo đức và nhân cách cho thế hệ trẻ trong hiện tại và tương lai.

5. Một số định hướng góp phần nâng cao hiệu quả giáo dục đạo đức và nhân cách cho trẻ vị thành niên trong giai đoạn hiện nay

Để nâng cao hiệu quả giáo dục đạo đức, nhân cách trẻ vị thành niên trong giai đoạn hiện nay các bậc cha mẹ cần vận dụng một số giải pháp sau:

5.1. Cha mẹ cần nhận thức được vai trò, đặc trưng và tầm quan trọng của gia đình trong việc giáo dục đạo đức và hình thành nhân cách của con em mình. Quá trình giáo dục trong gia đình đa dạng về phương pháp và hình thức. Đồng thời cần hiểu rõ giáo dục gia đình cũng mang tính cá biệt phụ thuộc vào hoàn cảnh cụ thể của từng gia đình, vì vậy nó có tác động và hiệu quả khác nhau đến từng thành viên của gia đình.

5.2. Cha mẹ cần hiểu rõ các mô hình gia đình đang tồn tại cùng với bản chất của nó cả mặt ưu điểm và hạn chế của kiểu giáo dục gia đình truyền thống và gia đình hiện đại từ đó có cơ sở lựa chọn những đặc điểm phù hợp với hoàn cảnh gia đình, văn hóa, nề nếp gia đình mình để vận dụng trong quá trình giáo dục.

5.3. Một điều rất quan trọng trong quá trình giáo dục là cha mẹ phải nêu gương về cách sống, phải hiểu con em mình vì mỗi em đều có đặc điểm tâm sinh lý khác nhau và chúng biến đổi theo từng giai đoạn lứa tuổi, nắm bắt được đặc điểm tính cách để tìm phương pháp giáo dục thích hợp nhất thì mới mang lại hiệu quả.

5.4. Trong quá trình giáo dục phải kết hợp hài hòa những ưu điểm của giáo dục gia đình kiểu truyền thống và kiểu hiện đại, phải đặc biệt chú ý sự cân bằng vai trò của cá nhân, gia đình và xã hội, không vì chú trọng tự do cá nhân mà hạ thấp vai trò cộng đồng và ngược lại. Một mặt khẳng định vai trò cá nhân nhưng cũng phải giáo dục sự tôn trọng pháp luật, kỷ cương xã hội, nêu cao trách nhiệm công dân.

5.5. Trong gia đình cần tạo được bầu không khí gia đình thân thiện, gia đình phải là tổ ấm, là nơi chia sẻ buồn vui, bày tỏ, giải tỏa những băn khoăn của các em, là cái nôi nâng đỡ giúp các em trưởng thành hơn. Bố mẹ ngoài vai trò là người giáo dục còn phải là người bạn luôn lắng nghe, thấu hiểu và chia sẻ với con mình. Trong những hoàn cảnh cụ thể cũng cần phải kết hợp tính nghiêm minh về kỷ cương của gia đình nhưng cũng đầy lòng khoan dung độ lượng, đó cũng là bí quyết của giáo dục gia đình.

Giáo dục gia đình giữ một vai trò rất quan trọng quyết định đến việc hình thành đạo đức và nhân cách của mỗi con người vì gia đình là ngôi trường đầu tiên mà mỗi con người được tiếp xúc và thừa hưởng những giá trị tốt đẹp của văn hóa Việt Nam.

Trong khi cuộc sống luôn vận động biến đổi thì việc giáo dục các em lứa tuổi vị thành niên cũng cần phải thay đổi cho phù hợp. Trên thực tế, kiểu giáo dục gia đình truyền thống và kiểu hiện đại đều có những ưu điểm và hạn chế riêng. Muốn giáo dục đạt hiệu quả cao cần phải kết hợp khéo léo, hài hòa cả hai kiểu giáo dục trên. Bằng sự hiểu biết sâu sắc bản chất của hai kiểu giáo dục và hiểu biết về tâm sinh lý lứa tuổi, kết hợp tốt với nhà trường và các tổ chức xã hội chắc chắn việc giáo dục trong gia đình của chúng ta sẽ thành công, xứng đáng là vai trò hạt nhân nền tảng của xã hội

                                                                                          Nguyễn Mạnh Thân