Thoát nghèo làm giàu chính đáng từ sản xuất kinh doanh Lưới

phunu.khanhhoa.gov.vn ── [ In trang Chủ nhật, 24/11/2024 ]

Tại hội nghị điển hình tiên tiến phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” giai đoạn 2015-2020 của Hội LHPN thị xã Ninh Hòa, chị Lê Thị Hiếu, sinh năm 1975, trú tại thôn Ngọc Diêm, xã Ninh Ích, thị xã Ninh Hòa được vinh danh gương phụ nữ điển hình tiêu biểu làm kinh tế giỏi, vươn lên thoát nghèo làm giàu chính đáng, giải quyết việc làm cho 30 lao động tại địa phương, giúp ổn định cuộc sống, xây dựng gia đình hạnh phúc.

Chị Lê Thị Hiếu xuất thân từ một gia đình thuần nông, có hoàn cảnh kinh tế khó khăn từ nhỏ. Chị sinh ra tại Bình Định, năm 16 tuổi theo gia đình vào Khánh Hòa sinh sống, lập nghiệp. Cuộc sống càng khó khăn trong việc chọn cho mình một công việc làm ăn để tồn tại nơi đất khách. Chính vì vậy, chị cùng gia đình phải bươn chải kiếm sống bằng việc bán nước mía, tích cóp từng đồng để chi tiêu qua ngày.

Năm 19 tuổi, chị kết hôn. Theo chồng làm nghề đánh bắt cá, nguồn thu nhập chính của gia đình từ việc đi lưới hằng ngày. Thuận buồm xuôi gió thì có khoản thu nhập tương đối để trang trải cuộc sống, gặp thời tiết bất lợi, lại thiếu thốn, bấp bênh. Do đó, chị kiếm sống bằng nhiều công việc khác nhau. Có thời điểm chị chuyển sang thu mua tôm bạc để giới thiệu bán cho các nhà hàng ở thành phố, nhưng qua thời gian thị trường cạnh tranh quá lớn, cảm thấy mình không thể tiếp tục nên chị bỏ dở và chú tâm lo toan việc gia đình, chăm sóc con. Không nản chí, không chấp nhận khó khăn, với bản tính chịu thương chịu khó chị đã tiếp tục tìm kiếm con đường làm ăn khác cho mình.

Nhận thấy đầm Nha Phu có khu vực nước sâu, sạch, xung quanh được bao bọc bởi núi, dòng nước chảy ổn định, ít có bão nên chị đã mạnh dạn cùng chồng dùng hết số tiền tiết kiệm được và vay mượn người thân để đầu tư vào nuôi trồng thủy hải sản. Lúc đầu nuôi tôm hùm, sau một thời gian thấy nguồn nước không còn phù hợp cho nuôi tôm nên chị đã chuyển sang nuôi cá bóp, cá ngựa, cá mú… Với suy nghĩ “Ông trời không phụ người có lòng và quyết tâm”, chị cùng chồng vượt qua bao khó khăn, nhọc nhằn, cứ thế dần dần làm ăn có lãi, chị đã trả được nợ, sửa sang nhà cửa khang trang và chăm sóc con ăn học trưởng thành. Song song với công việc nuôi trồng thủy hải sản, chị phát triển, mở rộng nghề sản xuất đan lưới truyền thống đầy tiềm năng nhưng ngày càng ít người làm và bị mai một theo thời gian.

Sau thời gian dài trăn trở làm sao giữ lại nghề truyền thống của ông bà để lại, chị quyết tâm tìm ra hướng đi mới cho mình. Nghĩ là làm, chị trao đổi và được sự giúp đỡ về ý tưởng của Hội LHPN xã, từ đó bắt tay vào việc đầu tư xây dựng nhà xưởng, trang bị máy móc và thuê nhân công lao động có sẵn tại địa phương. Việc sản xuất giai đoạn đầu khá khó khăn vì vốn ít, khách hàng mua nợ nhiều dẫn đến khó khăn trong việc quay vòng vốn, thiếu kinh nghiệm, thiếu kiến thức về công nghệ nên sản phẩm làm ra tốn nhiều thời gian công sức lại không được bền đẹp. Lúc đầu chỉ 2 đến 3 người trong gia đình cùng làm và chủ yếu cung cấp lưới cho những người trong làng. Nhiều lần chị nản chí, định bỏ nghề nhưng vì lòng đam mê, nhiệt huyết muốn giữ gìn nghề truyền thống và muốn có thêm thu nhập, chị không cho phép bản thân bỏ cuộc. Gần 10 năm tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm từ nhiều kênh thông tin, từ những bậc thầy về nghề làm lưới, chị đã đúc kết kinh nghiệm và tự tạo ra sản phẩm của riêng mình tốt hơn, đẹp và bền hơn, chị mạnh dạn đặt tên cho sản phẩm của cơ sở chị làm ra là “Lưới Việt Nam”.

Cứ như vậy, nghề sản xuất kinh doanh lưới của gia đình chị không ngừng lớn mạnh và phát triển mở rộng, giúp gia đình chị không những lưu giữ được nghề truyền thống mà còn góp phần giải quyết công ăn việc làm cho 30 lao động tại địa phương, trong đó có 21 lao động nữ, thu nhập hàng tháng thấp nhất là 5.000.000 đồng và cao nhất là 13.000.000 đồng/1 người. Thu nhập bình quân của gia đình chị Hiếu 60 triệu đồng/tháng. Quy mô sản xuất gồm 02 nhà xưởng diện tích 340m2, số vốn đầu tư ban đầu 500 triệu đồng (đầu tư mở xưởng, mua 15 máy dập lưới, chì, phao…). Khách hàng chủ yếu là ngư dân trong tỉnh và các tỉnh ngoài: Phú Yên, TP Hồ Chí Minh, Quảng Ngãi… Hiện nay, gia đình dự kiến mở rộng quy mô sản xuất và khai thác thị trường tiêu thụ sản phẩm rộng rãi đến một số tỉnh khác trên cả nước.

Bên cạnh công việc sản xuất kinh doanh lưới của gia đình, chị Hiếu luôn tích cực, năng động trong việc tham gia hoạt động Hội, phong trào phụ nữ tại địa phương. Chị thường xuyên quan tâm, vận động gia đình và phụ nữ trong thôn chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực hưởng ứng và tham gia Đề án 939Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp”; các phong trào thi đua, cuộc vận động do Hội LHPN xã tổ chức, phát động. Đặc biệt, chị vận động chị em trong thôn không vay thế chấp, vay tín dụng đen ở ngoài mà tích cực tham gia các hoạt động tiết kiệm, góp vốn xoay vòng, tiếp cận nguồn vốn ủy thác ngân hàng CSXH qua kênh của Hội phụ nữ xã để giúp chị em tích lũy vốn, phát triển kinh tế gia đình.

Với tinh thần ham học hỏi, chịu khó làm ăn vượt khó vươn lên thoát nghèo, bản thân chị Hiếu và gia đình là gương điển hình tiêu biểu làm kinh tế giỏi, tạo động lực cho nhiều chị em phụ nữ trên địa bàn có ý chí làm ăn, phát triển kinh tế ổn định cuộc sống, đóng góp hiệu quả trong việc thực hiện Đề án 939 “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp” do Hội LHPN xã triển khai, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo ở địa phương.

                                                                                                                                                                                                           H.T