Những hiện vật chứng tỏ “lòng vàng gan sắt” của phụ nữ Việt Nam trong Tổng khởi nghĩa giành chính quyền

phunu.khanhhoa.gov.vn ── [ In trang Thứ tư, 22/1/2025 ]
Từ chiếc ấm của bà Hoàng Thị Dậu dùng để sắc thuốc cho Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời gian Người bị ốm nặng ở Tân Trào (huyện Sơn Dương, Tuyên Quang) đến khẩu súng lục mà bà Hà Thị Quế dùng để giành chính quyền ở Yên Thế (Bắc Giang) năm 1945… đã phần nào chứng tỏ “lòng vàng gan sắt” của phụ nữ Việt Nam trong cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền.
Khẩu súng lục mà bà Hà Thị Quế dùng trong khởi nghĩa giành chính quyền ở huyện Yên Thế (Bắc Giang) diễn ra ngày 18/8/1945
Chiếc ấm mà bà Hoàng Thị Dậu dùng để sắc thuốc cho Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời gian Người bị ốm nặng ở Tân Trào (huyện Sơn Dương, Tuyên Quang) - vào những ngày sắp diễn ra Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Chiếc ấm này đang được trưng bày tại phòng số 08, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia (số 25 Tông Đản, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).
Chiếc túi mắt cá mà bà Lương Thị Khánh dùng để mang cơm cho Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời gian Người ở Tân Trào năm 1945.
Chỉ kim tuyến mà phụ nữ Hà Nội dùng để thêu Cờ đỏ Sao vàng chuẩn bị cho ngày Tổng khởi nghĩa tháng 8/1945.
Khẩu súng lục mà bà Hà Thị Quế dùng trong khởi nghĩa giành chính quyền ở huyện Yên Thế (Bắc Giang), diễn ra từ ngày 17 đến 18/8/1945. Khẩu súng này đang được lưu giữ tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam (số 36 Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Bà Hà Thị Quế tham gia hoạt động cách mạng từ rất sớm và là đại biểu nữ duy nhất của Bắc Giang được cử đi dự Quốc dân Đại hội Tân Trào diễn ra tại Đình Tân Trào vào chiều 16/8/1945. Sau khi trở về Bắc Giang, bà Hà Thị Quế là người trực tiếp tổ chức khởi nghĩa và giành chính quyền ở phủ Yên Thế thành công vào ngày 18/8/1945. Trước tài chỉ huy của bà, quân địch run sợ và kính nể gọi bà là "Tướng Việt Minh đàn bà". Về sau, bà được bầu làm Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam giai đoạn 1974 - 1982. Ảnh: Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam

 

Chiếc mã tấu của bà Lê Thị Hoa Sen dùng trong khởi nghĩa giành chính quyền ở thị trấn Hậu Nghĩa (nay thuộc huyện Đức Hòa, Long An) vào tháng 8/1945.

Trước đó, thị trấn Hậu Nghĩa từng là một trong những nơi diễn ra cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ (23/11/1940).

Phù hiệu mà bà Chu Thọ Tâm (xã Huy Chương, ngoại thành Hà Nội) đeo khi dự mít tinh ở Đình Chèm (nay thuộc phường Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm) và tham gia đánh chiếm Phủ Khâm sai trong ngày 19/8/1945.

       Theo: http://hoilhpn.org.vn/ (Nguồn: https://phunuvietnam.vn)