Giới thiệu Luật Du lịch số 09/2017/QH14

phunu.khanhhoa.gov.vn ── [ In trang Thứ tư, 22/1/2025 ]

Ngày 19/6/2017, kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Du lịch số 09/2017/QH14 (gọi tắt là Luật Du lịch 2017) và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018.

Luật Du lịch 2017 gồm 9 chương, 78 điều, giảm 2 chương, 10 điều so với Luật Du lịch 2005 với nhiều nội dung được chỉnh sửa nhằm thúc đẩy du lịch phát triển; nâng cao chất lượng hoạt động du lịch; tạo điều kiện thuận lợi, môi trường cạnh tranh lành mạnh cho doanh nghiệp du lịch; tăng cường tính chuyên nghiệp của hoạt động hướng dẫn; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của khách du lịch, cụ thể hóa tinh thần của Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Tại Điều 1 đã xác định phạm vi điều chỉnh của Luật Du lịch bao gồm tài nguyên du lịch, phát triển sản phẩm du lịch và hoạt động du lịch; quyền, nghĩa vụ của khách du lịch, tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác, cộng đồng dân cư có hoạt động liên quan đến du lịch; quản lý nhà nước về du lịch.

Một số điểm mới của Luật Du lịch 2017

  • Một là, Luật Du lịch 2017 đã có các quy định về khách du lịch, thể hiện rõ quan điểm lấy khách du lịch làm trung tâm trong mọi hoạt động du lịch như: tôn trọng và đối xử bình đẳng đối với khách du lịch (khoản 5, điều 4) quy định về các loại khách du lịch (Điều 10); quyền và nghĩa vụ của khách du lịch (Điều 11); bảo đảm an toàn cho khách du lịch (Điều 13) và giải quyết kiến nghị của khách du lịch (Điều 14),.. Bên cạnh trách nhiệm tuân thủ pháp luật Việt Nam, Luật Du lịch 2017 đã bổ sung thêm quy định khách du lịch có nghĩa vụ ứng xử văn minh, tuân thủ pháp luật của quốc gia, vùng lãnh thổ nơi đến du lịch để giữ gìn hình ảnh quốc gia khi đi du lịch nước ngoài của công dân Việt Nam.
  • Hai là, Luật Du lịch 2017 quy định về xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch và phát triển du lịch cộng đồng (Điều 18, Điều 19) nhằm khuyến khích tổ chức, cá nhân sáng tạo, xây dựng, phát triển, kinh doanh các sản phẩm du lịch có chất lượng, thu hút sự tham gia của cộng đồng dân cư và đáp ứng nhu cầu của thị trường. Luật Du lịch 2017 đã bổ sung quy định về du lịch cộng đồng, một loại hình du lịch đặc thù, có tính văn hóa và nhân văn sâu sắc nhằm phát triển du lịch vùng sâu, vùng xa, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân địa phương.
  • Ba là, Luật Du lịch 2017 cũng quy định về trách nhiệm, quyền lợi của cộng đồng dân cư trong phát triển du lịch (Điều 6): Cộng đồng dân cư có quyền tham gia và hưởng lợi ích hợp pháp từ hoạt động du lịch; có trách nhiệm bảo vệ tài nguyên du lịch, bản sắc văn hóa địa phương; giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội, vệ sinh môi trường. Cộng đồng dân cư cũng sẽ được tạo điều kiện để đầu tư phát triển du lịch, khôi phục và phát huy các loại hình văn hóa, nghệ thuật dân gian, ngành, nghề thủ công truyền thống, sản xuất hàng hóa của địa phương phục vụ khách du lịch.
  • Bốn là, quy định về các loại hướng dẫn viên du lịch (Điều 58 đến Điều 66) bao gồm các loại hướng dẫn viên du lịch, điều kiện hành nghề hướng dẫn du lịch; điều kiện, hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp,cấp đổi, cấp lại, thu hồi thẻ hướng dẫn viên du lịch; quyền, nghĩa vụ của hướng dẫn viên du lịch và trách nhiệm quản lý hướng dẫn viên du lịch. Điều kiện hành nghề của hướng dẫn viên du lịch được quy định chặt chẽ nhưng vẫn đảm bảo tính linh hoạt nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong hoạt động hành nghề hướng dẫn; điều kiện về trình độ chuyên môn,nghiệp vụ của hướng dẫn viên du lịch quốc tế được điều chỉnh từ trình độ cử nhân thành trình độ cao đẳng để phù hợp với nhu cầu thực tiễn.